Một số mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng tại Cần Thơ Ngày đăng: 13/11/2017
Theo báo cáo của các ngành chức năng, Cần Thơ hiện có 2.279 cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó có 906 cơ sở kinh doanh lưu trú, 242 karaoke, 01 vũ trường, 107 cơ sở xoa bóp massage dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm. Qua rà soát của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội kết hợp với các Câu lạc bộ đồng đẳng đã phát hiện có 325 người hoạt động bán dâm, trong đó 98 trường hợp có hộ khẩu trên địa bàn thành phố. Người bán dâm phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp hoặc không có việc làm, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có thu nhập đảm bảo đời sống.

Mô hình tạo việc làm từ quỹ tín dụng vi mô

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người bán dâm về mong muốn được vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm thay đổi công việc theo hướng tích cực, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Thông qua các buổi Hội thảo, truyền thông, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội mạnh dạn chia sẻ về nhu cầu tạo nguồn vốn nhỏ cho người bán dâm vay, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Sáng kiến này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các ban, ngành của tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp tiền nhằm tạo nguồn vốn và Chi cục đứng ra phối hợp với các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm cho vay, tạo việc làm cho người bán dâm, gọi tắt là Mô hình tín dụng nhỏ của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Cần Thơ được hình thành và triển khai thực hiện từ năm 2008.

Qua các câu lạc bộ, nhóm tự lực của người bán dâm Chi cục đã tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Mô hình tín dụng nhỏ; hướng dẫn về trình tự, thủ tục vay; mẫu đơn vay; kế hoạch sản xuất kinh doanh; mẫu hợp đồng vay vốn, hướng cách thức trả nợ vay. Tại các Câu lạc bộ đã lồng ghép giới thiệu vốn vay và những cá nhân đã được vay và sử dụng vốn có hiệu quả để người bán dâm tham khảo học tập. Các Ban, ngành, Đoàn thể, Cán sự xã hội, Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ triển khai bằng nhiều hình thức đến nhóm người yếu thế  như: tiếp cận, hỏi thăm tình hình cuộc sống, tư vấn gia đình và bản thân về việc làm, kế hoạch thực hiện vay vốn, cũng như mục đích vay vốn, việc nhận và kế hoạch sử dụng vốn.

Từ nguồn xã hội hóa (Quỹ tín dụng nhỏ) ban đầu là: 262.330.000đ (hai trăm sáu mươi hai triệu ba trăm ba nghìn đồng). Nguồn vốn được xoay vòng cho vay trong nhóm đối tượng người nhiễm HIV/AIDS, người bán dâm, sau cai nghiện ma túy, người đang điều trị Methadone có hoàn cảnh khó khăn, có thiện chí và nguyện vọng vươn lên thay đổi công việc, cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Người vay cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, đúng thực tế; sử dụng vốn vay đúng mục đích và có khả năng hoàn trả vốn và lãi theo cam kết; chấp nhận cung cấp các thông tin liên quan đến việc xin vay và sử dụng vốn.

Số tiền cho vay, tùy vào quy mô sản xuất kinh doanh, cho vay từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ. Lần 1, không tính lãi và được hỗ trợ không hoàn lại 10%/tổng số tiền phát vay. Lần 2 trở đi, áp dụng mức lãi suất vay cố định là 0,4%/tháng, không tính theo dư nợ giảm. Cách thu hồi vốn vay, trả vốn hàng tuần, hàng tháng, tùy theo khả năng, điều kiện trả nợ vay theo thỏa thuận được ghi trong hợp đồng vay nhưng không quá 12 tháng.

Tính đến tháng 9/2017, riêng số người bán dâm được vay là 52 người. Số lượt vay là: 155 lượt. Ngành nghề sử dụng vốn vay chủ yếu mua bán nhỏ, chăn nuôi, mua dụng cụ làm tóc. Số người thực hiện đúng hợp đồng thỏa thuận và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả là chiếm 62 %. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp trả chậm chiếm 34%. Số trường hợp khi vay bị ốm đau, bệnh nặng không có khả năng chi trả, đã làm thủ tục xóa nợ chiếm 4%. Cụ thể có 42/52 người người bán dâm được hỗ trợ vốn, tạo việc làm như mua bán nhỏ, chăn nuôi, làm móng, đến nay đã có hiệu quả rõ rệt, chị em ổn định cuộc sống hoà nhập cộng đồng.

Mô hình hỗ trợ giảm tác hại cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng

Thực hiện Quyết định 361/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở kết quả đã đạt được từ các mô hình tín dụng nhỏ, Chi cục PCTNXH tham mưu cho Sở LĐTBXH thực hiện thí điểm trên địa bàn 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng “ hình hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí”. Trên cả 3 địa bàn đã thực hiện củng cố, nâng cấp mô hình các Câu lạc bộ sẵn có ở địa phương (cấp phường): Câu lạc bộ “Phụ nữ Xa nhà” , Câu lạc bộ “Vì Tương lai phụ nữ”, Câu lạc bộ “Ánh Dương” và các mô hình hỗ trợ giảm tác hại cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Chi cục đã khảo sát nhu cầu đối với 188 người bán dâm, người có nguy cơ cao trên địa bàn, trên cơ sở nhu cầu của chị em đã giới thiệu 17 người học nghề làm tóc, làm móng; 63 chị em trong đó có 52 chị là người bán dâm được tiếp cận vay vốn với số tiền là 184 triệu; hỗ trợ dụng cụ học nghề tóc cho 10 chị em tại cộng đồng; hỗ trợ về pháp lý cho 105 người bán dâm; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho 47 người bán dâm hoàn lương hoàn cảnh khó khăn có hộ khẩu trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa nhóm Phụ nữ có nguy cơ cao như: phụ nữ nghèo, thiếu việc làm, trẻ em gái gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn dễ bị kẻ xấu lợi dụng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố mở 14 lớp dạy nghề như: may gia dụng, may công nghiệp, đan giỏ xách cho 490 phụ nữ. Đặc biệt, mô hình làm may mặc, kết cườm, nấu ăn ở quận Bình Thủy đã giúp cho mỗi thành viên tăng thêm thu nhập từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng, nhiều chị em nhờ đó thoát nghèo, góp phần hạn chế tình trạng bị bọn xấu dụ dỗ, lôi kéo đi làm ăn xa nguy cơ sa vào tệ nạn mại dâm hoặc bị mua bán.

Những người vay vốn làm ăn có hiệu quả được tuyên truyền, quảng bá thông qua các cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt câu lạc đã làm cho những người yếu thế, người bán dâm tin tưởng vào sự hỗ trợ từ các ban ngành đoàn thể và tự tin vay vốn tạo việc làm thay đổi cuộc sống hòa nhập cộng đồng bền vững./.                                                                            

                                                                                                    CNP