Từ nạn nhân bị buôn bán trở thành tuyên truyền viên xã hội tích cực Ngày đăng: 24/10/2022
Tại tỉnh Lào Cai, mỗi năm có hàng chục đến hàng trăm người rời khỏi địa bàn đi làm ăn xa. Trong đó, nhiều người trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Có những người may mắn trở về quê hương và từ kinh nghiệm thực tế của bản thân đã tham gia tích cực vào việc tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người.

Một ngày mùa đông năm 2011, chị T. ở xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) bế đứa con 6 tháng tuổi lên rừng kiếm củi thì gặp một người đàn ông đứng tuổi, hắn hỏi chuyện chị như quen biết từ bao giờ. Hắn nhiều lần đến tận nhà chị để dỗ ngon ngọt, vẽ ra cuộc sống tốt đẹp ở bên kia biên giới với việc nhẹ, lương cao. Cả tin, chị T. đã đi theo người đàn ông kia, không ngờ đó là khởi đầu của những chuỗi ngày ê chề.

Nói đến đây, chị T. nấc nghẹn, kìm nén cảm xúc, chị bảo mình còn may mắn hơn nhiều người. 1 năm sau đó, lợi dụng sơ hở của bọn chúng, chị đã trốn thoát. Trên đường chạy trốn, chị được nhiều người tốt giúp đỡ. Chạm chân đến Việt Nam, chị được lực lượng chức năng đưa về nhà.

Bản thân từng là nạn nhân, không muốn phụ nữ trong thôn, trong xã “dính bẫy” bọn mua bán người, chị đã tham gia phong trào của hội phụ nữ xã để tuyên truyền phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, phòng, chống tội phạm mua, bán người. Dù không biết chữ, nhưng bằng câu chuyện mình từng trải qua, những buổi tuyên truyền mà chị T. tham gia rất hiệu quả, góp phần ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người.

Hoặc câu chuyện của chị Thào Chỉ Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Thàng. Gia đình chị Hoa có người là nạn nhân của bọn mua bán người và bản thân chị Hoa suýt chút nữa cũng bị lừa bán.

Năm chị Hoa học lớp 5, bố bị bệnh hiểm nghèo đã qua đời, đến năm chị học lớp 8 thì mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc. Đối tượng lừa bán mẹ chị Hoa sau đó quay lại định lừa chị và một số thành viên trong gia đình, nhưng âm mưu của chúng đã thất bại. Mánh khóe của đối tượng mua, bán người là dụ dỗ chị Hoa đi gặp mẹ. Do nhớ thương mẹ, chị đã đồng ý đến điểm hẹn ở chợ phiên Mường Khương. Buổi tối trước khi đến điểm hẹn, chị Hoa cảm thấy bất ổn, ruột gan như có lửa đốt. Chị đã tĩnh tâm suy nghĩ lại và thấy có một số điểm đáng ngờ, như tại sao đối tượng kia lại biết mẹ chị đang ở đâu và nếu mẹ vẫn ở Mường Khương sao không về nhà gặp các con? Chị đã báo công an địa phương. Lực lượng chức năng vào cuộc, chị Hoa vẫn đến chợ như đã hẹn với người đàn ông kia, sau đó hắn bị tóm gọn. Với lòng dũng cảm của học sinh Thào Chỉ Hoa ở phiên chợ hôm ấy, đường dây mua, bán người bị lật tẩy, mẹ chị sau đó cũng được về nhà an toàn. Trong niềm hạnh phúc đoàn tụ, chị Hoa nghĩ phụ nữ vùng cao vì kém hiểu biết mà bị lừa bán, sau này chị phải làm gì đó góp phần ngăn chặn tình trạng này.

Hiện với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tả Thàng, câu chuyện về chính cuộc lừa bán bất thành gần 20 năm trước được chị Hoa kể lại ở những buổi sinh hoạt hội, giúp chị em cảnh giác trước chiêu trò, mánh khóe của đối tượng mua, bán người.

Năm 2018, mô hình phụ nữ không bỏ đi khỏi địa phương được thành lập tại thôn Lầu Thí Chải, xã Tả Thàng với 15 thành viên. Mô hình sinh hoạt định kỳ hằng tháng, hình thức tuyên truyền được sử dụng là trực quan, video, tuyên truyền miệng... Dần dần, chị em hiểu và đề phòng trước thủ đoạn của bọn mua, bán người, sẵn sàng báo ngành chức năng khi phát hiện dấu hiệu của loại tội phạm này. Từ đầu năm đến nay, xã Tả Thàng không có tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương.

Xã Tả Thàng là ví dụ điển hình trên địa bàn tỉnh trong việc vận động phụ nữ là nạn nhân của mua, bán người trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Theo đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, khi ý thức cảnh giác của mỗi người dân được nâng lên thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua, bán người mới đạt kết quả, trong đó vai trò của các nạn nhân tham gia tuyên truyền rất quan trọng, bởi câu chuyện họ kể mang tính thực tế, sinh động, hiệu quả cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 nạn nhân của các vụ mua, bán người đang là tuyên truyền viên tích cực cho các mô hình phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Ban Quản lý Dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về - mô hình Nhà nhân ái cho biết: Từ đầu năm đến nay, Nhà nhân ái Lào Cai tiếp nhận 5 nạn nhân trở về; các nạn nhân đều được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ học nghề, học văn hóa theo nhu cầu...

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và người dân về công tác phòng, chống mua, bán người; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; vận động các nạn nhân tham gia tuyên truyền tại địa phương nhằm ngăn chặn, tố giác, hướng tới chấm dứt nạn mua, bán người đang nhức nhối ở vùng cao./.

Phạm Minh (theo báo LCĐT)