Một số kết quả phòng, chống mại dâm tại tỉnh Lào cai Ngày đăng: 04/12/2024
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, tính đến ngày 30/9/2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 1.769 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Trong đó, 1.080 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, hometays, nhà trọ, nhà cho thuê); 207 quán karaoke, massage; 03vũ trường; 479 loại hình khác (quán bia, nhà hàng ăn uống, cafe, cắt tóc, gội đầu thư giãn...) với khoảng 50 người bán dâm.

 

 

 

 

Chú trong công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật

Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 5/02/2024 về Điều trị, cai nghiện ma túy, phòng, chống tệ nạn mại dâm, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024. Theo đó, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mại dâm nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh đã thực hiện định hướng tuyên truyền, xây dựng tài liệu, sản phẩm và tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về phòng, chống tệ nạn mại dâm  trên các phương tiện thông tin đại chúng như  Đài Phát thanh -Truyền hình, Báo Lào Cai, Tạp chí Phansipăng, Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai, Cổng thông tin điện tử tỉnh và bản tin của các sở ngành...

Trong 11 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 02 diễn đàn, 10 buổi truyền thông về phòng, chống mại dâm tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai; các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức lồng ghép 1.830 buổi tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội; phát hành 02 số/1000 cuốn bản tin phòng chống tệ nạn xã hội; 500 cuốn hỏi đáp pháp luật về phòng, chống mại dâm; 1.700 cuốn Bản tin tuổi trẻ; 06 số truyền hình thanh niên trên sóng PTTH tỉnh 01 số/ tháng; duy trì và thành lập mới hoạt động 216 CLB tuyên truyền pháp luật về phòng chống TNXH, 34 Đội cờ đỏ với 1.530 đoàn viên thanh niên tham gia; duy trì 516 tủ sách pháp luật; tổ chức 02 Hội nghị phổ biến pháp luật... 

Năm 2024, Sở cũng tổ chức 02 lớp tập huấn cho 110 người lao động của 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Nội dung tập trung về các vấn đề hiểu biết cơ bản về tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống cộng đồng; Các kỹ năng giảm hại trong phòng, chống mại dâm: kỹ năng về tình dục an toàn, kỹ năng đối phó với kỳ thị, kỹ năng bảo vệ bản thân, gia đình và tình yêu, các kỹ năng làm việc với người bán dâm và người có nguy cơ cao tại cộng đồng, các cách giảm tác hại của tệ nạn mại dâm…Các sở, ban ngành, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh đã tổ chức tập huấn lồng ghép trang bị kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội cho cán bộ tổ hòa giải ở cơ sở tham gia triển khai, xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng, bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”  với trên 1.400 lượt đại biểu tham dự. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai tập huấn chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV… tiếp cận cộng đồng cho nhóm gái mại dâm.

 Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, cụ thể: Tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, cung cấp tờ rơi, tài liệu những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS như đường lây truyền, cách phòng bệnh, các nhiễm khuẩn lây truyền qua quan hệ tình dục; phối hợp liên ngành thực hiện can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho người nghiện chích ma túy, người bán dâm trên địa bàn tỉnh.

Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết tâm từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần kiểm soát được tình hình tệ nạn mại dâm, kiềm chế phát sinh, không để xảy ra tụ điểm tệ nạn mại dâm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, từ đó hạn chế tác hại của tệ nạn mại dâm trong đời sống xã hội.

Hiệu quả từ các mô hình triển khai

Sở Lao động – TBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1212/QĐ-UBND ngày 2/5/2024 về kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Lào Cai (Đội 178). Đội kiểm tra liên ngành xây dựng kế hoạch kiểm tra các Cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện theo quy định Nghị định số 178/2004/NĐ-CP. Năm 2024, Đội 178 cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức 10 đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; hỗ trợ truy quét 03 vụ hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Phối hợp với Công an và các đơn vị liên quan thường xuyên tiến hành rà soát danh sách, kiểm tra việc tạm trú đối với nhân viên, tiếp viên phục vụ trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện tổ chức được 02 đợt/11 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke, nhà nghỉ, nhà hàng.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã điều tra, khám phá 03 vụ/20 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm. Trong đó khởi tố 03 vụ/06 bị can về tội môi giới mại dâm và chứa gái mại dâm (thành phố Lào Cai 02 vụ/05 bị can; huyện Bảo Yên 01 vụ/01 bị can); xử lý hành chính 07 đối tượng mua dâm và 07 đối tượng bán dâm. Chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 03 vụ/06 bị can. Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Lào Cai đã xét xử  03 vụ 11 bị cáo về Tội Môi giới mại dâm, 03 vụ 09 bị cáo về Tội Mua dâm người dưới 18 tuổi.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế đã cấp phát miễn phí 7.570 bao cao su cho các nhà hàng, khách sạn; thực hiện 200 mẫu giám sát trọng điểm HIV, giang mai, lồng ghép phỏng vấn hành vi nhóm gái mại dâm. Sở LĐ-TBXH duy trì 01 mô hình “Trợ giúp giảm tổn thương, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng”. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tỉnh đã duy trì 152 mô hình “ Khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội”. Các khu dân cư đã thành lập và duy trì được 1.719 tổ an ninh nhân dân; nhiều mô hình phát huy hiệu quả như: “Năm không, ba biết”; “Thôn bình yên, gia đình hạnh phúc”; “Gia đình tự quản”; “Năm không, ba giảm”; mô hình  “Tổ hòa giải” ở cơ sở, “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và vi phạm phát luật”; tiêu biểu mô hình câu lạc bộ phòng ngừa mại dâm, HIV/AIDS tại cộng đồng và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng...  

Tuy nhiên, do tính chất phúc tạp và thủ đoạn tinh vi của hoạt động mại dâm  ngày càng biến tướng, khó kiểm soát, lợi dụng nhiều hình thức để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Xuất hiện tình trạng nữ phục vụ tại các quán hát karaoke, massage khi khách có nhu cầu mua dâm sẽ thỏa thuận với nhân viên hoặc tình trạng gái bán dâm tự tìm người mua dâm trên mạng xã hội… nên rất khó xác định số cơ sở có biểu hiện chứa mại dâm cũng như số nhân viên nữ nghi hoạt động mại dâm, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý đối tượng.

Cùng với đó, hệ thống kết nối các dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt dành cho người bán dâm chưa được hình thành, đặc biệt các hoạt động về vay vốn, dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Công tác thanh, kiểm tra hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm chưa bao phủ trên diện rộng; nhiều huyện, thành phố, thị xã chưa thành lập được đội kiểm tra liên ngành 178./.

Như Ngọc