Số hiệu : | Công văn số 584/PCTNXH-CNMT |
Tên văn bản: | Công văn số 584⁄PCTNXH-CNMT Hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng |
Loại văn bản: | Công văn |
Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội |
Người ký: | Phó Cục trưởng Cao Văn Thành |
Ngày ban hành: | 28/11/2023 |
Tệp đính kèm |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ
Tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình,
cộng đồng theo Luật phòng, chống ma túy, Nghị định 116/2021/NĐ-CP
(LƯU HÀNH NỘI BỘ)
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Luật Phòng, chống ma túy, ngày 30 tháng 3 năm 2021;
2. Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (Nghị định số 116/2021/NĐ-CP);
3. Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
4. Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự; thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy;
5. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
6. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
7. Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;
8. Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thành lập, giải thể; tổ chức hoạt động, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc; nội quy, quy chế; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành quản học viên; trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
9. Thông tư số 18/2021/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, ĐỊA ĐIỂM, QUY TRÌNH CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN
1. Đối tượng, thủ tục đăng ký cai nghiện tự nguyện (Khoản 1 Điều 28, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP)
1.1. Đối tượng thuộc diện đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là người đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là nghiện ma túy, từ đủ 12 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
LƯU Ý:
- Tiêu chí xác định người có nơi cư trú ổn định, người không có nơi cư trú ổn định, trình tự thủ tục xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy được thực hiện theo quy định tại Điều 41, Nghị định số 105/2021/NĐ-CP.
- Công an cấp xã nơi người nghiện ma túy cư trú hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người nghiện ma túy hướng dẫn người đó thực hiện việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định.
1.2. Thủ tục đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 28, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP)
a) Địa điểm đăng ký cai nghiện tự nguyện:
- Người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định: đăng ký tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú;
- Người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định: đăng ký cai nghiện tự nguyện tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật.
b) Trình tự đăng ký cai nghiện tự nguyện
- Người nghiện ma túy hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (cha, mẹ, người giám hộ, luật sư, trợ giúp viên pháp lý) thực hiện đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tại Ủy ban Nhân dân cấp xã (địa điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
- Người được giao phụ trách điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hướng dẫn người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy thực hiện các thủ tục đăng ký và tư vấn lựa chọn địa điểm cai nghiện, đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện phù hợp và kế hoạch dự kiến thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện (Mẫu số 22, Phụ lục II, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã quyết định việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Điều 30, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
c) Hồ sơ đăng ký, thủ tục đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 28, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
LƯU Ý:
Trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện, người nghiện, gia đình người nghiện ma túy có thể lựa chọn hình thức đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở y tế (đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện).
2. Địa điểm cai nghiện ma túy tự nguyện (khoản 3 Điều 28, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP):
- Gia đình, cộng đồng;
- Cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tư nhân hoặc công lập (đã được Ủy ban Nhân dân cấp huyện công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; gia đình, cộng đồng);
- Cơ sở cai nghiện ma túy (cơ sở cai nghiện ma tuý công lập hoặc cơ sở tư nhân thành lập đã được cấp Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật);
3. Quy trình cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Khoản 1 Điều 29, Luật Phòng, chống ma túy, Chương III, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP)
3.1. Việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải đảm bảo thực hiên đầy đủ 3 giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy quy định tại Khoản 1 Điều 29, Luật Phòng, chống ma túy và Chương III, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, gồm:
a) Tiếp nhận, phân loại;
b) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác;
c) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;
3.2. Thời lượng thực hiện từng giai đoạn, địa điểm thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện... người nghiện, gia đình người nghiện phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ và tư vấn của cán bộ cấp xã được giao nhiệm vụ tư vấn, quản lý, hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện để xây dựng kế hoạch cai nghiện cụ thể.
LƯU Ý:
- Giai đoạn "Tiếp nhận, phân loại" và "Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác" được thực hiện ở các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; đã được công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện hoặc cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma tuý.
- Giai đoạn " Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách" có thể thực hiện tại gia đình với sự hỗ trợ của cộng đồng và cán bộ cấp xã được giao nhiệm vụ tư vấn, quản lý, hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện.
4. Xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
Trên cơ sở bản đăng ký cai nghiện tự nguyện (các nội dung dịch vụ cai nghiện dự kiến) theo Mẫu số 22 Phụ lục II, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã; người được Ủy ban Nhân dân cấp xã giao tư vấn, quản lý, hỗ trợ người cai nghiện chủ trì, phối hợp với các chủ thể (người cai nghiện ma túy tự nguyện, gia đình người nghiện ma túy, cơ quan công an cấp xã, đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện kế hoạch của người cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
III. CHUẨN BỊ, BẢO ĐẢM CÁC ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN
1. Chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị
1.1. Điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện cấp xã (Điều 29, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP):
a) Căn cứ số lượng người nghiện ma túy, dự kiến số người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã bố trí địa điểm tiếp nhận hồ sơ, đăng ký cai nghiện tự nguyện; thông báo công khai (bằng các hình thức phù hợp) cho toàn thể nhân dân trên địa bàn.
b) Điểm tiếp nhận phải được trang bị bàn, ghế làm việc, tủ bảo quản hồ sơ và các trang thiết bị khác phục vụ cho việc tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
1.2. Xây dựng hệ thống dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng:
a) Phạm vi dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 15, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP):
- Tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy xây dựng kế hoạch cai nghiện;
- Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác cho người nghiện ma túy;
- Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy;
- Tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy;
b) Tổ chức hệ thống dịch vụ:
- Đối với địa bàn (cấp huyện) có tổ chức, cá nhân ngoài công lập đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đủ điều kiện theo quy định, đáp ứng đủ nhu cầu người tự nguyện cai nghiện ma túy trên địa bàn: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tham mưu Ủy ban Nhân dân cấp huyện công bố các đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Mục 3 Chương II, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
- Đối với địa bàn không có tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc có nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp các dịch vụ cai nghiện tự nguyện; căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, nhu cầu cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn, đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện:
(i) Chỉ định, giao nhiệm vụ cho một hoặc một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên địa bàn (cơ sở y tế, trạm y tế cấp xã, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, Trung tâm y tế cấp huyện, điểm tư vấn hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, điểm vệ tinh thuộc cơ sở cai nghiện ma túy công lập...) thực hiện việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (theo một hoặc một số dịch vụ quy định tại Điều 15, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
(ii) Xây dựng dự án nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phương án bố trí nhân sự đối với đơn vị được chỉ định, giao nhiệm vụ để thực hiện việc cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật (đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
(iii) Bố trí kinh phí hàng năm thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật.
- Đối với địa bàn cấp huyện khó khăn trong việc chỉ định, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; Ủy ban Nhân dân cấp huyện báo cáo, đề xuất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền:
(i) Xây dựng, trình Đề án thành lập đơn vị trực thuộc cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
(ii) Chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy công lập thực hiện các thủ tục gửi Ủy ban Nhân dân cấp huyện để công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
2. Chuẩn bị nhân sự thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
2.1. Ủy ban Nhân dân cấp xã (Điều 21, Khoản 1 Điều 29, Điều 30, Điều 32, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP): Chủ tịch UBND cấp xã bố trí nhân sự làm công tác tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện và tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng:
a) Tại mỗi xã, căn cứ số lượng người nghiện ma túy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã phân công, giao nhiệm vụ ít nhất 01 người (kiêm nhiệm) để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện và tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Khoản 1 Điều 34, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
b) Đối với địa bàn xã có số lượng người nghiện ma túy, số người đăng ký cai nghiện tự nguyện nhiều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã nghiên cứu, tham khảo nguyên tắc định biên quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập quy định tại Khoản 2, Điều 9, Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH[1], báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện bố trí số lượng cán bộ thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phù hợp với thực tiễn địa phương.
2.2. Ủy ban Nhân dân cấp huyện:
a) Trên cơ sở quyết định chỉ định hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo quy định tại Khoản 3, Điều 16, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
b) Việc bố trí phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo Nghị định 116/NĐ-CP và nguyên tắc: (1) sử dụng nhân sự hiện có tại đơn vị; (2) số định biên không vượt quá định biên quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
3. Tham mưu xây dựng định mức chi phí, giá dịch vụ; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng
3.1. Tham mưu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi hỗ trợ, giá dịch vụ:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật hiện hành để tham mưu, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi hỗ trợ, giá dịch vụ trong việc tổ chức cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng tại địa phương.
LƯU Ý:
Trường hợp địa phương chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thì định mức chi phí, giá dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc được xây dựng trên cơ sở mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của cơ sở cai nghiện ma túy công lập 03 năm trước liền kề (Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).
3.2. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP):
Căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được cơ quan có thẩm quyền ban hành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện việc đặt hàng (giao nhiệm vụ) cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện chủ trì, tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân cùng cấp thống kê số người nghiện ma túy trên địa bàn; đánh giá nhu cầu cai nghiện ma túy tự nguyện; đánh giá các điều kiện đảm bảo cho việc triển khai chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng... để xây dựng phương án (kế hoạch) tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện; báo cáo, đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những vấn đề vượt quá thẩm quyền trong việc triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền của địa phương (Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) các chính sách, chương trình, dự án về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, kinh phí (theo các nội dung tại Mục III Hướng dẫn này) cho việc triển khai chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn.
3. Hàng năm, Ủy ban Nhân dân cấp xã, huyện chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chuyên môn (Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)./.
CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI
[1] Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH: "đảm bảo nguyên tắc 01 (một) người quản lý, tư vấn, giáo dục, điều trị, dạy nghề cho tối đa 07 (bảy) người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy".