Theo đó, phạm vi, đối tượng và chính sách cụ thể được đề xuất như sau:
(1) Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an tỉnh Ninh Bình.
(2) Đối tượng áp dụng: Cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Công an cấp huyện.
(3) Nội dung chính sách và mức hỗ trợ:
Chính sách 1: Hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Công an cấp huyện: 1.800.000 đồng/người/tháng.
Chính sách 2: Hỗ trợ cho công tác bắt giữ, khởi tố các vụ án phạm tội về ma túy và công tác truy bắt đối tượng truy nã.
Mức hỗ trợ: Hỗ trợ bắt giữ, khởi tố vụ án là đường dây tội phạm về ma túy có đối tượng hoạt động liên tỉnh: Hỗ trợ 40.000.000 đồng/vụ án. Hỗ trợ bắt giữ, khởi tố vụ án phạm tội về ma túy thuộc thẩm quyền điều tra cấp tỉnh: Hỗ trợ 30.000.000 đồng/vụ án. Hỗ trợ bắt giữ, khởi tố vụ án phạm tội về ma túy thuộc thẩm quyền điều tra cấp huyện: Hỗ trợ 10.000.000 đồng/vụ án. Hỗ trợ bắt đối tượng truy nã ở trong nước: 10.000.000 đồng/đối tượng. Hỗ trợ bắt đối tượng truy nã ở nước ngoài: 20.000.000 đồng/đối tượng.
Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ hằng quý (04 lần/năm). Đơn vị chủ trì bắt giữ, khởi tố các vụ án chịu trách nhiệm làm thủ tục thanh quyết toán hằng quý.
Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gồm các loại giấy tờ sau: Công văn đề nghị hỗ trợ kinh phí kèm theo bảng thống kê nội dung đề nghị hỗ trợ; Báo cáo đề xuất chi kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh vụ án, danh sách nhận tiền; Quyết định khởi tố vụ án (đối với hỗ trợ vụ án); Quyết định khởi tố bị can (đối với hỗ trợ vụ án); Quyết định cử cán bộ công tác tại nước ngoài của cấp có thẩm quyền (đối với bắt đối tượng truy nã lẫn trốn ở nước ngoài); Quyết định truy nã (đối với hỗ trợ truy bắt đối tượng truy nã); Quyết định đình nã (đối với hỗ trợ truy bắt đối tượng truy nã); Biên bản bắt người đang bị truy nã (đối với hỗ trợ truy bắt đối tượng truy nã); Biên bàn giao nhận người bị bắt (đối với hỗ trợ truy bắt đối tượng truy nã).
Ngồn kinh phí: từ nguồn ngân sách cấp tỉnh đảm bảo và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Bối cảnh xây dựng chính sách
Trong thời gian qua, trước tác động của tình hình tội phạm ma túy trong nước và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mặc dù được đấu tranh quyết liệt nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Ninh Bình phát hiện bắt giữ khoảng trên 1.200 vụ vi phạm và phạm tội về ma túy; riêng năm 2023, phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.315 vụ, 1.396 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma tuý.
Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 2.392 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong đó: Có 1.474 người ở ngoài xã hội, 710 người trong các cơ sở giam, giữ và 208 người đang điều trị trong Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh. Số người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 76 người; số người nghiện được điều trị thay thế bằng Methadone là 788 người; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy bị loạn thần, ngáo đá là 04 người. Toàn tỉnh hiện có 143 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 11 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (chiếm 7,7%); 132 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, trong đó 16 xã trọng điểm loại 3 (chiếm 11,2%); có 01 điểm phức tạp và 03 tuyến trọng điểm về ma túy, không có đường dây, ổ nhóm hoạt động phạm tội về ma túy.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là lực lượng rất vất vả, luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, do mức án phạt cao nên đối tượng phạm tội ma túy thường sử dụng vũ khí "nóng", hung khí nguy hiểm để chống trả quyết liệt; nhiều đối tượng ma túy bị nhiễm HIV/AIDS rất liều lĩnh, bất chấp, gây nguy hiểm, thương, vong cho lực lượng bắt giữ. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy ngày càng tăng về số lượng, yêu cầu đòi hỏi, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát ma túy phải làm thêm giờ, thêm buổi thì mới đảm bảo tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống ma túy, mà trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác và nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh.
Mục đích và quan điểm xây dựng chính sách
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Ban hành một số chính sách hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm ma túy, kịp thời khích lệ, động viên, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; giúp cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, gắn bó với công việc, tận tâm, tận lực, nỗ lực, cố gắng đóng góp, cống hiến cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy trong tình hình mới.
Việc ban hành Nghị quyết phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đảm bảo tính khả thi, dễ áp dụng, thực hiện;
Đảm bảo tính công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong quá trình xây dựng Nghị quyết;
Chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết được xây dựng với định mức hợp lý, tương đồng, hài hòa với mức hỗ trợ của các đối tượng đặc thù có cùng tính chất công việc; phù hợp với khả năng chi của ngân sách địa phương và đồng đều với mức chi hỗ trợ của các tỉnh lân cận./.
Minh Thu