Bình luận về các chính sách hỗ trợ dành cho phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân mua bán người trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) Ngày đăng: 25/06/2024
Dự thảo dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi) đã được nghiên cứu, xây dựng rất công phu trên cơ sở kế thừa Luật PCMBN 2011, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn yêu cầu phòng chống mua bán người của Việt Nam. Dự thảo đã được nghiên cứu, đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội…; và được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Chính phủ đã trình Quốc Hội xem xét để thông qua.

1. Về cách tiếp cận

Khi nói về chính sách hỗ trợ dành cho phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân mua bán người trong dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi) thì cần thống nhất một số quan điểm và cách tiếp cận đó là “lấy nạn nhân làm trung tâm” để có thể bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Thực tiễn cho thấy và pháp luật các nước đều quy định bất kể ai, dù là phụ nữ và trẻ em gái, khi bị mua bán thì họ đều bị ảnh hưởng, bị xâm hại đến quyền con người, quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Vì thế họ (bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ, quốc tịch và tôn giáo, vị trí xã hội và thành phần xuất thân…) nếu là “nạn nhân” thì đều cần được bảo vệ về mặt pháp lý. Phụ nữ và trẻ em gái khi xác định là nạn nhân bị mua bán thì cũng có quyền được hưởng ít nhất là ngang bằng với các nhóm đối tượng khác. Nói cách khác, các quy định hiện hành về chế độ, chính sách cho nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em gái trong dự thảo Luật PCMBN đang được lồng ghép trong các quy định chung về chế độ, chính sách của nạn nhân nói chung, có tính đến yếu tố đặc thù là “phụ nữ” và “trẻ em” vì thế Dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng ngoài các quy định chung về hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân còn có một số quy định đặc thù cho nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Ví dụ: Các quy định chung: Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật giải thích khái niệm “nạn nhân” theo cách áp dụng chung. Khái niệm này được áp dụng cho tất cả những người “bị xâm hại bởi hành vi” quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Luật và “được cơ quan có thẩm quyền xác định”. Như vậy, Dự thảo không quy định riêng với nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em gái. Tương tự, khái niệm “Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, “người thân thích của nạn nhân…”,Bóc lột tình dục” , “nô lệ tình dục”, “cưỡng bức lao động”…  và nhiều quy định trong Dự thảo cũng theo cách quy định trung tính về giới.

Cách quy định này đã bảo đảm được nguyên tắc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, đó là đảm bảo nam, nữ bình đẳng trong việc xác định nạn nhân; thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… Nói cách khác, các chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được quy định trong dự thảo Luật ít nhất là ở ngưỡng mức ngang bằng cùng với các nhóm đối tượng khác, được áp dụng chung, không mang tính phân biệt đối xử về giới, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, việc thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới. Cách quy định này tương tự như cách quy định của Luật PCMBN 2011 và cũng tương tự với thông lệ các nước.

Tuy vậy, từ góc độ nghiên cứu về giới tính, với cách tiếp cận “nhạy cảm giới” thì cũng cần có sự tính toán thêm về tác động của quy định này trong quá trình thực hiện trên thực tế để có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp với yếu tố đặc thù về thể chất, tâm lý, văn hóa, phong tục, thói quen… của phụ nữ và trẻ em gái. Trước hết, cần có những nghiên cứu kỹ hơn để đánh giá liệu phụ nữ và trẻ em gái có bị ảnh hưởng, bị tác động và bị xâm hại như nam giới và trẻ em nam hay không, xét về mặt tâm lý, thể chất và tinh thần? Liệu dư chấn của hành vi bị mua bán để lại cho họ có hoàn toàn giống nhau cả về mức độ, về thời gian và về hậu quả hay không? Nếu không, thì cần phải có những quy định và biện pháp cụ thể, phù hợp hơn (có thể ở tầm VBQPPL dưới luật hoặc văn bản hướng dẫn) để có thể bảo vệ họ một cách bình đẳng và thực chất, phù hợp với đặc điểm giới tính và lứa tuổi của họ, giúp họ thực sự có đủ năng lực và khả năng để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân mà pháp luật quy định cho họ.

Ví dụ, về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, khoản 11 Điều 3 Dự thảo quy định: “Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Nếu đọc lời văn quy định này thì thấy hợp lý, có vẻ như không có vấn đề gì về giới hoặc vấn đề giới không nổi cộm; nói cách khác, theo cách hiểu thông thường thì quy định này đã giúp phụ nữ và trẻ em đã được pháp luật bảo vệ thông qua quy định về cấm tiết lộ thông tin giống như (ngang bằng) với nam giới. Tuy vậy, nếu tiếp cận ở góc độ nhạy cảm giới thì tác động về giới vẫn có thể đặt ra phía sau của quy định này. Liệu có thực sự tác động của quy định này đối với nạn nhân nữ và trẻ em gái là hoàn toàn giống (ngang bằng) với nam giới trong trường hợp họ “phải” đưa ra quyết định “đồng ý” cho tiết lộ thông tin hay không?

Về trẻ em gái: dự thảo luật quy định chung là trẻ em, không phân biệt trẻ em trai hay gái. Vì thế, các chế độ, chính sách hỗ trợ được áp dụng chung cho tất cả trẻ em, không phân biệt đó là trẻ em trai hay trẻ em gái. Ở góc độ lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL thì đó là cách quy định trung tính về giới. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu ở góc độ giới và từ sự phát triển tâm lý, thể chất, giới tính theo lứa tuổi của trẻ em thì lại có thể có những vấn đề tác động khó có thể thật sự “ngang bằng” giữa trẻ em nam và trẻ em nữ, tương tự như cách phân tích ở trên. 2. Một số chính sách hỗ trợ cụ thể đối với phụ nữ và trẻ em gái

2.1. Về nguyên tắc hưởng chế độ hỗ trợ:  

Khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật quy định nguyên tắc: “Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân của họ”.  Đây là nguyên tắc chung, quan trọng, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các chế định trong dự thảo Luật và các VBQPPL hướng dẫn Luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.

2.2. Đối tượng được hỗ trợ

Điều 37 quy định 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ, đó là:

- Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam (khoản 1 Điều 37);

- Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam (khoản 2 Điều 37);

- Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (khoản 3 Điều 37).

Tùy từng trường hợp cụ thể, theo từng quy định thì các đối tượng này đươc hưởng các chế độ hỗ trợ khác nhau.

So với Luật PCMBN 2011 thì Dự thảo Luật đã bổ sung 2 nhóm: “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và “Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”.  

Dự thảo Luật quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng một số chế độ hỗ trợ theo quy định. Tuy vậy, có một số điểm cần lưu ý về câu chữ khi áp dụng khoản 3 điều 37 và các điều 38, điều 39, điều 40 và điều 44 của Dự thảo. Ngoài ra, trong trường hợp người thân thích của họ là phụ nữ cao tuổi, bị khuyết tật hoăc bị bệnh nạn y đi cùng nạn nhân thì chưa đươc quy định là đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ này. Theo quy định tại Điều 34 của dự thảo luật thì người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng thuộc đối tượng được bảo vệ. Vì thế, trong một số trường hợp nhất định, họ có cũng cần những hỗ trợ nhất định như về nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý…

2.3. Các chế độ hỗ trợ 

(i) Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (điều 38)

- Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ (khoản 1 Điều 38).

- Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú (khoản 2 Điều 38).

- Trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì chuyển giao họ cho những cơ sở này (điểm b khoản 1 Điều 29).

- Nạn nhân là trẻ em từ nước ngoài trở về thì thực hiện hỗ trợ theo quy định của pháp luật về trẻ em và thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa hoặc có căn cứ có thể gặp nguy hiểm khi đưa về nơi người thân thích cư trú thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (điểm b khoản 1 Điều 29).

(ii) Hỗ trợ y tế

Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh (Điều 39).

(iii) Hỗ Hỗ trợ tâm lý

- Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian chờ xác định là nạn nhân. Nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày (Điều 40).

(iv) Trợ giúp pháp lý

- Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ để làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, đăng ký khai sinh, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ và được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (Điều 41).

Nếu đối chiếu quy định này với quy định của Luật TGPL 2017 thì có sự khác nhau. Theo quy định tại điểm g khoản 7 Điều 7 của Luật TGPL 2017 thì chỉ những nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật PCMBN có khó khăn về tài chính mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Vì thế, khi áp dụng và thực hiện 2 quy định này của 2 Luật phải sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật BHVBQPPL, theo đó ưu tiên  áp dụng quy định của Luật PCMBN (sửa đổi) vì Luật này ban hành sau. Tuy vậy, Điều 65 Dự thảo Luật đã quy định rõ bãi bỏ điểm g khoản 7 Điều 7 của Luật TGPL 2017 tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định này. 

- Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 45 dự thảo Luật quy định: “Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”. Như vậy, đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 37 thì nhóm đối tượng “Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” không được đề cập tại khoản 4 Điều 45. Như vậy, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý không được giao nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng này. Thêm vào đó, khoản 4 Điều 54 dự thảo Luật quy định: Trách nhiệm của Bộ Tư pháp “hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật TGPL cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”. Như vậy, theo Dự thảo này thì Bộ Tư pháp cũng không được giao nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi đi cùng.

(v) Hỗ trợ chi phí phiên dịch

Theo quy định tại điều 44 của Dự thảo Luật: Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không biết, hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian làm các thủ tục xác minh là nạn nhân. Nạn nhân không biết, hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 37 thì có sự khác nhau về quy định giữa 2 điều 37 và 44 của Dự thảo Luật. Theo đó thì nhóm đối tượng “Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” không rõ sẽ được hỗ trợ chi phí phiên dịch như thế nào.

Như vậy, cần có sự điều chỉnh trong lời văn của Điều 37 trong mối tương quan với các điều khác trong Chương V, đặc biệt là từ Điều 38 đến Điều 44 để bảo đảm rõ ràng, thống nhất, đồng bộ trong các quy định về chế độ hỗ trợ tại Chương V “Hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân” của dự thảo Luật. 

Bên cạnh đó, các Điều từ 38 đến Điều 44 quy định các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nói chung và không quy định cụ thể đối với nhóm là phụ nữ và trẻ em gái. Theo khoản 4 Điều 37 thì có thể hiểu việc này được giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ cần lưu ý các nhu cầu đặc thù nhóm đối tượng đặc thù này để có những hướng dẫn quy định về các chế độ hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

Ngoài ra, điểm h khoản 1 Điều 46 dự thảo Luật quy định: Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người dang trong quá trình xác định nạn nhân phối hợp với các Trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện việc tư vấn pháp luật về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”. Tuy vậy, các cơ sở trợ giúp và cơ sở hỗ trợ này chỉ được tư vấn pháp luật nếu họ đủ điều kiện theo quy định để thực hiện dịch vụ pháp lý này (cả về căn cứ pháp lý và điều kiện thực tiễn nguồn lực của tổ chức). Vì vậy, khó có thể giao cho họ nhiệm vụ tư vấn pháp luật được. Nên sửa lại thành: Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người dang trong quá trình xác định nạn nhân phối hợp với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để thực hiện việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và giới thiệu họ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước./. 

 Ths Vũ Thị Hường (Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý