Một số điểm mới về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) Ngày đăng: 25/06/2024
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều (tăng 08 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011); trong đó, xây dựng mới 09 điều, sửa đổi, bổ sung nội dung 52 điều, bỏ 01 điều. Dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng được nhận hỗ trợ là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và sửa đổi căn bản chế độ, chính sách dành cho nạn nhân bị mua bán theo hướng có lợi cho nạn nhân và lấy nạn nhân làm trung tâm.

Cụ thể, Chương V (Hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân) gồm 10 điều quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ chi phí phiên dịch; cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này bổ sung 01 điều về hỗ trợ chi phí phiên dịch (Điều 44): nếu nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không biết, hiểu tiếng Việt được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian làm các thủ tục xác minh là nạn nhân và trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Dự thảo Luật đồng thời, sửa đổi, bổ sung 09 điều, theo đó nâng cao hơn chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, cụ thể như sau:

Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (Điều 38): “nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú” (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ).

Hỗ trợ y tế (Điều 39): “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh” (Luật PCMBN năm 2011 quy định: Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh). Như vậy, về hỗ trợ y tế, so với Luật năm 2011, Dự thảo Luật quy định đã mở rộng cả về đối tượng và phạm vi được hưởng, không còn bị giới hạn chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Hỗ trợ tâm lý (Điều 40): “Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian chờ xác định là nạn nhân. Nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trường hợp nạn nhân không lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 90 ngày” (Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định: Nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân). Quy định của dự thảo Luật đã giải quyết khó khăn trong thực tế đó là, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù, cần phải được tư vấn để ổn định tâm lý ngay sau khi được tiếp nhận, đảm bảo cho việc cung cấp lời khai cho công an, biên phòng, đơn vị tiếp nhận được thuận lợi và chính xác.

Trợ giúp pháp lý (Điều 41): “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý”. Đồng thời, để giải quyết sự mẫu thuẫn trong hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý, Điều 65, Dự thảo luật quy định về bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý. Cụ thể là: “1. Bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 như sau: 6a. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người. 2. Bãi bỏ điểm g khoản 7 Điều 7”. Như vậy, so với hiện nay, nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân sẽ là đối tượng được trợ giúp pháp lý mà không bị ràng buộc bởi điều kiện có khó khăn về tài chính.

Hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm (Điều 42): “1. Nạn nhân là người dưới 18 tuổi nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên và năm liền kề. 2. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống”.

Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn (Điều 43): “1. Nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. 2. Nạn nhân khi về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật”.

Dự thảo Luật đã bỏ qui định về điều kiện là hộ nghèo mới được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, và trợ cấp khó khăn ban đầu.

Tất cả sửa đổi, bổ sung trên nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hoàn thiện quy định về quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập thời gian qua, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân./.

K. Huyền