Trải qua 55 năm từ công ước 1961, nhận thức và chính sách kiểm soát ma túy như trên đang đứng trước những thách thức bởi một số xu hướng mới, đặc biệt là việc xử lý đối với hành vi sử dụng và người nghiện ma túy. Có thể khái quát như sau:
Một là phi hình sự hóa (decriminalization), chỉ việc xóa bỏ một hành vi ra khỏi chế tài hình sự. Trong lĩnh vực ma túy, những hành vi thường này là: có được, sở hữu và sử dụng các chất ma túy trái phép. Trong trường hợp này, mặc dù không còn là hành vi phạm tội, những hành vi này vẫn được coi là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt hành chính ( phạt tiền, thu bằng lái xe, giấy phép sử dụng vũ khí hoặc cảnh cáo). Hành vi sử dụng ma túy vẫn bị ngăn cấm nhưng việc vi phạm và hành vi chuẩn bị không bị áp dụng chế tài hình sự.
Thuật ngữ phi hình sự hóa được sử dụng đầu tiên trong luật Bồ Đào Nha có hiệu lực ngày 1 tháng 7 năm 2001 và cho đến nay vẫn là quốc gia duy nhất công khai sử dụng thuật ngữ này. Theo Luật của Bồ Đào Nha, việc sử dụng và tàng trữ nhằm sử dụng cá nhân các loại cây, chất, hoặc hỗn hợp thuốc danh mục các chất ma túy cấu thành hành vi vi phạm hành chính. Trong đó lượng ma túy được xác định để sử dụng cá nhân là lượng không vượt quá số lượng cần thiết cho một người sử dụng trung bình trong 10 ngày. Luật không phân biệt rõ sự khác biệt giữa các loại ma túy hoặc địa điểm sử dụng ma túy (nơi công cộng hoặc riêng tư). Người vi phạm có thể bị phạt tiền ( 25 ơ rô hoặc một ngày lương tối thiểu) hoặc cảnh cáo, hoặc, trên lý thuyết, có thể cấm người vi phạm làm một số nghể nghiệp nhất định (bác sỹ, luật sư, lái xe tắc xi), cấm không được đến những nơi có nguy cơ cao (hộp đêm), cấm không được tiếp xúc quan hệ với những cá nhân nhất định, cấm xuất cảnh. Việc phi hành sự hóa hành vi tàng trữ và sử dụng được thực hiện ở Mexico (28/8/2009), Argentina (25/8/2009), Colombia và nhiều nước ở châu Âu.
Những người ủng hộ xu hướng này cho rằng mỗi người trưởng thành có quyền tự do ra quyết định lựa chọn lối sống của mình mà không có sự can thiệp của nhà nước; hành vi sử dụng ma túy ở chỗ riêng tư là hợp pháp nếu không gây ra mối nguy hiểm rõ ràng; việc bỏ tội danh này nhằm ưu tiên kinh phí cho việc điều tra truy tố các đối tượng buôn bán và tập trung cho điều trị thay vì phải truy tố hàng nghìn vụ nhỏ rất tốn kém. Bên cạnh đó, việc phi hình sự hóa sẽ giúp chuyển mạnh sang phòng ngừa, giảm cầu; tạo môi trường thuận lợi cho cai nghiện; giảm kỳ thị. Theo họ việc phi hình sự hóa không đồng nghĩa với sự nhân nhượng đối với tệ nạn ma túy và do vậy không trái với các công ước quốc tế hiện hành.
Hai là xu hướng không áp dụng án phạt tù đối với một hành vi cụ thể (Depenalization), như không áp dụng hình phạt tù có giam giữ đối với hành vi tàng trữ hoặc sử dụng trái phép ma túy. Nếu không có tình tiết tăng nặng và với số lượng nhỏ, người thực hiện hành vi có thể không bị phạt tù mà có thể bị áp dụng các các hình phạt không giam giữ, như bắt buộc điều trị, phạt tiền, quản chế, ghi hồ sơ tư pháp... Việc không áp dụng án phạt tù được thực hiện tại Bỉ, từ năm 2003. Tại Pháp, người sử dụng ma túy thuần túy chủ yếu bị đưa đi điều trị và chỉ áp dụng hình phạt tù như giải pháp cuối cùng. Việc không áp dụng án phạt tù cũng đang được thực hiện rộng rãi ở Hoa Kỳ thông qua mô hình tòa án ma túy.
Ba là “y tế hóa” (healthification) trong xử lý việc sử dụng và lệ thuộc vào ma túy. Xu hướng này coi việc sử dụng và lệ thuộc ma túy là vấn đề y tế chứ không chỉ là vấn đề tội phạm, được thể hiện rõ nhất trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp giảm hại, coi đây là một bộ phận cấu thành của chiến lược giảm cầu trong chính sách kiểm soát ma túy. Ở đây cơ sở trung tâm là việc coi tình trạng lệ thuộc ma túy là một căn bệnh mãn tính và trong khi người bệnh chưa khỏi bệnh, có thể tiến hành các biện pháp giúp họ biết chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tác hại của tình trạng nghiện đối với bản thân và gia đình, xã hội
Bốn là hợp pháp hóa (legalization): là tiến trình đựa vào kiểm soát bằng pháp luật một hoạt động/hành vi nhất định mà trước đó là bất hợp pháp và bị ngăn cấm hoặc quản lý hết sức chặt chẽ. Về mặt lý thuyết, việc hợp pháp hóa có thể được áp dụng đối với hành vi cung cấp, sản xuất, điều chế, bán các chất ma túy ngoài mục đích điều trị y tế. Theo đó, các chất ma túy và các hành vi liên quan đến ma túy được nhà nước quản lý tương tự quản lý các chất gây nghiện khác như đồ uống có cồn và thuốc lá. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay mới có một số nước châu Âu và Nam Mỹ coi việc sử dụng cần sa, một loại ma túy nhẹ, là hợp pháp. Một số bang tại Hoa Kỳ việc sử dụng cần sa được coi là một loại thuốc theo đơn của bác sỹ. Những người cổ súy cho xu hướng này cho rằng chính sách cấm đoán hiện nay đã tạo nên một thị trường bất hợp pháp về ma túy, là nguyên nhân để tội phạm ma túy phát triển và không thể thành công do trái với quy luật thị trường. Hợp pháp hóa sẽ làm giảm tội phạm và tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người sử dụng.
Cần chú ý là từ góc độ pháp lý, mọi hành vi hợp pháp hóa các hoạt động liên quan đến ma túy trái phép đều trái với các công ước kiểm soát ma túy quốc tế hiện hành. Tại các công ước quốc tế về kiểm soát ma túy đa quy định rõ các chất ma túy chỉ được phép sử dụng vào mục đích y tế và nghiên cứu khoa học, mọi hành vi sử dụng ngoài hai mục đích này đều được coi là bất hợp pháp. Đối với hành vi sử dụng ma túy thuần túy, Công ước 1988 đã khuyến nghị có thể hình sự hóa và cho phép các quốc gia có quyền rộng rãi hơn trong việc quyết định áp dụng chế tài phù hợp.
2. Phiên họp đặc biệt của Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu 2016: sự thỏa hiệp của các xu hướng khác biệtPhiên họp đặc biệt của Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy được tổ chức tại New York từ 17-21/4/2016 và trước đó đã diễn ra nhiều cuộc họp chuẩn bị nội dung văn kiến của Hội nghị. Trước những xu hướng khác biệt nêu trên, văn kiện được thông qua mang tên “Cam kết chung nhằm đấu tranh và ứng phó một cách hiệu quả đối với vấn đề ma túy thế giới” là sự thỏa hiệp giữa những quốc gia ủng hộ chính sách truyền thống và các quốc gia theo đuổi các xu hướng mới. Nội dung văn kiện bao gồm toàn diện các khía cạnh của công tác kiểm soát ma túy. Trong phạm vi hội thảo, bản tham luận này chỉ nêu hai nội dung sau
1. Chính sách ma túy toàn cầu:
Trong khi thống nhất đánh giá về tình hình ma túy, đã có sự khác biệt về đánh giá hiệu quả của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu. Phần lớn cho rằng chính sách kiểm soát ma túy hiện nay được thể hiện trong 3 công ước Liên Hợp Quốc vẫn phát huy tác dụng, góp phần kiềm chế không để tệ nạn ma túy phức tạp hơn. Số khác, nhất là đại diện các nước Nam Mỹ, các tổ chức phi chính phủ cho rằng việc thực hiện chính sách hiện tại không thành công, không đạt được các mục tiêu đề ra và không đáp ứng được đòi hỏi với những diễn biến mới của tình hình ma túy.
Phần lớn các nước đều nhấn mạnh vào nội dung phải có chính sách phòng, chống ma túy toàn diện, cân bằng cả giảm cung và giảm cầu, vừa đấu tranh chống tội phạm vừa phòng ngừa. Tuy nhiên, cách giải thích của các nước về chính sách toàn diện còn có nhiều khác biệt. Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á, châu Phi tiếp tục xem 3 Công ước về kiểm soát ma túy làm nền tảng của chính sách ma túy toàn cầu với 3 trụ cột: Giảm cung, giảm cầu và hợp tác quốc tế. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Mỹ La tinh muốn mở rộng nội hàm chính sách ma túy toàn cầu, gắn với nội dung tư pháp hình sự, phát triển, y tế và nhân quyền; ủng hộ giảm nhẹ hình phạt, bỏ án tử hình, thậm chí phi hình sự hóa tội phạm ma túy. Về bản chất, nhóm các nước này muốn thay đổi nội dung chính sách kiểm soát ma túy quốc tế hiện này bằng việc bổ sung các xu hướng mới vào trong văn kiện.
Văn kiện thể hiện "Chúng tôi nhận thấy rằng những thách thức mới và liên tục về vấn đề ma túy cần được giải quyết phù hợp với 3 Công ước kiểm soát ma túy quốc tế, các Công ước này cho phép các quốc gia có sự linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách kiểm soát ma tuý theo các ưu tiên và nhu cầu riêng của mỗi nước, trên nguyên tắc cùng nhau chia sẻ trách nhiệm chung và pháp luật quốc tế”. Với nội dung này, Liên Hợp Quốc, một mặt khẳng định hiệu lực của thể chế kiểm soát ma túy hiện hành, đồng thời có tính đến tính chất linh hoạt cho phép các quốc gia có thể xây dựng và thực hiện chính sách riêng phù hợp.
Một số vấn đề được nêu ra thảo luận nhưng đã không được thể hiện trong văn kiện: bỏ án tử hình, hợp pháp hóa sử dụng ma túy nhẹ.
2. Vấn đề nghiện và điều trị nghiện
Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận do lập trường và chính sách rất khác biệt. Các nước châu Á và nhiều nước khác ứng xử vấn đề này hoàn toàn dựa trên nguyên tắc truyền thống, không nhân nhượng với ma túy, hành vi sử dụng là phạm tội phải xử lý nghiêm khắc bằng phạt tù hoặc cai nghiện bắt buộc. Một số nước khác, điển hình ở châu Âu, hoàn toàn coi đây là vấn đề y tế xã hội, phản đối việc áp dụng các chế tài, việc điều trị phải tự nguyện và được thực hiện tại cộng đồng. Trong văn kiện của hội nghị, dường như xu hướng mới đang chiếm ưu thế:
Văn kiện công nhận “việc lệ thuộc vào ma túy như một tình trạng rối loạn sức khỏe phức tạp, đa yếu tố, mãn tính và dễ tái phát, với các nguyên nhân và hậu quả xã hội” – cách tiếp cận hoàn toàn từ góc độ y tế. Rằng việc lệ thuộc này có thể phòng ngừa và điều trị được “thông qua các chương trình điều trị, chăm sóc và phục hồi hiệu quả dựa trên cơ sở khoa học, bao gồm các chương trình tại cộng đồng, chăm sóc sau điều trị và tái hòa nhập cộng đồng”. Văn kiện “khuyến khích các cá nhân tình nguyện tham gia các chương trình điều trị rối loạn do sử dụng ma túy” và yêu cầu các nước “xây dựng và triển khai các chương trình và chiến dịch tiếp cận cộng đồng đối với người sử dụng ma túy, giảm thái độ kỳ thị”.
Đáng chú ý là, văn kiện khuyến khích các quốc gia “xem xét các biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối thiểu các hệ quả tiêu cực đối với xã hội và y tế cộng đồng từ việc lạm dụng ma túy, bao gồm các chương trình điều trị từ dược phẩm, chương trình trang bị bơm kim tiêm, liệu pháp kháng vi-rút và các biện pháp can thiệp có liên quan khác” và “xem xét việc bảo đảm tiếp cận các biện pháp can thiệp nêu trên vào trong nhà tù và các cơ chế tạm giam khác”. Đây là nội dung mới, chưa từng được phản ánh trong các văn kiện chính thức trước đây của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên văn kiện không đề cập gì đến việc không tổ chức cai nghiện bắt buộc, vốn là vấn đề được một số nước nêu ra trong quá trình thảo luận. Nguyên nhân chủ yếu là có sự phản đối của nhiều nước cho đây là mô hình cần thiết và hoàn toàn không trái với các công ước quốc tế hiện hành.
Những tranh luận tại hội nghị như nêu trên một mặt phản ánh tính chất phức tạp vấn đề ma túy, mặt khác thể hiện những bất đồng trong chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu hiện nay. Qua Hội nghị UNGASS và nội dung văn kiện chung vừa được thông qua, có thể thấy chính sách phòng, chống ma túy toàn cầu vẫn tiếp tục dựa trên nền tảng của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy. Tuy nhiên, xu hướng ủng hộ các tiếp cận tự do đang có sự ủng hộ ngày càng tăng.
Nếu so sánh với nội dung văn kiện, có thể nhận thấy về cơ bản chính sách phòng, chống ma túy của Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những xu hướng mới, từ quan niệm về người nghiện đến việc thực hiện các biện pháp giảm tác hại trong xã hội và môi trường khép kín.
Trong thời gian tới có thể chứng kiến sự đa dạng hơn của chính sách kiểm soát ma túy của các nước, khi họ tìm tòi con đường đi phù hợp với tình hình cụ thể của mình. Trong sự đa đạng ấy, chính sách phòng, chống ma túy Việt Nam cũng cần dựa trên mẫu số chung là các công ước quốc tế hiện vẫn đang là dòng chảy chính. Việc vận dụng các xu hướng mới cần nghiên cứu thận trọng, dựa trên điều kiện cụ thể ở Việt Nam./.
Hoàng Anh Tuyên
Phó Chánh Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma túy