Bác Hồ viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Proces de la colonization Francaise) trong khoảng năm 1921-1925, gồm 12 chương và phần phụ lục, được in lần đầu trên một Tạp chí Cộng sản tại Pari, thủ đô nước Pháp. Với cách hành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tác phẩm tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt đàn áp, nô dịch nhân dân ta. Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.
Trong tác phẩm của Bác, thuốc phiện không những là phương tiện để bọn thực dân bóc lột thuộc địa, mà còn là công cụ thực hiện chính sách đầu độc ngu dân, tàn phá các nước thuộc địa để chúng dễ bề duy trì cai trị. Chính vì vậy, thuốc phiện được Bác đề cập nhiều lần trong nhiều chương.
“Dân lao khổ bản xứ ở Đông Dương từ bao đời nay bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khoá, sưu sai, tạp dịch, bằng cưỡng bức phải mua rượu và thuốc phiện theo lệnh quan trên" (Trích Chương I: Thuế máu).
Bác đã thẳng thắn tố cáo, châm biếm Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, kẻ đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả những tội ác và thủ đoạn bỉ ổi nhất qua bức thư tên này đã gửi cho người thuộc quyền, với tư cách là Toàn quyền Đông Dương và nhằm vơ vét cho đầy túi tham của “bọn kẻ cướp thực dân”:
"Kính gửi ông công sứ!
Tôi trân trọng yêu cầu ông vui lòng giúp đỡ những cố gắng của Nha Thương chính trong việc đặt thêm đại lý bán lẻ thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông Tổng giám đốc Nha Thương chính Đông Dương.
Để tiến hành việc đó, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; phần lớn các xã này, tới nay, vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện.
Qua các Tỉnh trưởng và các Xã trưởng Cao Miên, ông có thể dùng ảnh hưởng to tát của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi…
Ký tên: Anbe Xarô"
Lúc ấy, cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện nhưng cũng chỉ có vẻn vẹn 10 trường học. (Trích Chương II: Việc đầu độc người bản xứ). Việc thực dân Pháp nhất quán mở rộng đầu độc nhân dân ta bằng các chất độc hại thật là dã man và khủng khiếp!
Bác Hồ đã vạch trần bọn thực dân cai trị như Đáclơ, Buđinô, Bôđoanh, Têa và bọn quan lại câu kết với nhau để vơ vét cho đầy túi tham của mình và làm hại lớn cho xã hội thông qua việc buôn bán thuốc phiện. Ví dụ:
"Ông Têa là một kỹ sư xuất sắc, Giám đốc một hãng lớn của người Pháp ở Hải Phòng.Ông đã đến tìm ông Xcala, Giám đốc Thương chính, và tặng trước ông này số tiền chè lá một vạn đôla để ký kết một chuyến buôn thuốc phiện với cơ quan nhà nước. Chắc là ông Têa có những lý do rất đặc biệt để nghĩ rằng việc vận động như thế không có gì là bất thường cả. Như vậy có nghĩa là việc hối lộ là việc thông thường trong chính giới ở Đông Dương” (Trích Chương IV: Các quan cai trị).
“Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để”. Chính sách ngu dân còn là sự kiểm duyệt báo chí gắt gao, hạn chế tối đa việc mở thêm các trường học “làm cho ngu dân để dễ cai trị” (Trích Chương IX: Chính sách ngu dân).
Tuyên ngôn độc lập và 6 nhiệm vụ trọng tâm
Đúng 20 năm sau, kể từ ngày “Bản án chế độ thực dân Pháp” ra đời, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba đình, Bác Hồ thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới, chấm dứt gần 100 đô hộ của thực dân Pháp.Trong Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ấy, Bác một lần nữa đề cập đến tội ác của thực dân Pháp đã dùng thuốc phiến đầu độc dân tộc Việt Nam: “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.
Ngay ngày hôm sau, 3/9/1945, chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ đã chỉ ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà sau này chúng ta vẫn gọi tắt là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vấn đề tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết… Vấn đề cấm thuốc phiện được Bác đề cập trong nhiệm vụ cấp bách thứ 5 và thứ 6 như sau:
Vấn đề thứ tư - Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện.Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác.Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính.
Vấn đề thứ nǎm - Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
(Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 121-123).
Luôn là nhiệm vụ cấp bách
Qua các tư liệu trên cho thấy:
Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã nhận thức sâu sắc sự nguy hại của thuốc phiệntrước mắt và lâu dài gắn với chính sách nô dịch của chế độ thực dân Pháp, âm mưu “làm cho nòi giống ta suy nhược”. Có thể nói “ Bản án chế độ thực dân Pháp” cũng là “bản án tội ác” của thuốc phiện đối với dân tộc thông qua những những tư liệu chân thực, sâu sắc, sinh động được Bác tập hợp, trình bày thành hệ thống nênsự tố cáo có sức thuyết phục cao.Đã gần 1 thế kỷ nhưng những vấn đề Bác đưa ra về nguy hại thuốc phiện vẫn còn nguyên giá trị.
Khi chính quyền đã về tay nhân dân, Bác Hồ đã xác định việc cấm dùng thuốc phiện là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất.Phải đặt trong bối cảnh Nhà nước non trẻ vừa ra đời, nạn đói hoành hành vừa làm chết 2 triệu người, thù trong giặc ngoài cận kề, biết bao nhiêu công việc phải làm, Bác vẫn nhấn mạnh phải loại bỏ thuốc phiện, tàn dư của chế độ cũ ra khỏi đời sống xã hội mới, cho thấy tầm chiến lược của Bác trong việc bảo vệ chính quyền cách mạng và xây dựng cuộc sống mới vì hạnh phúc nhân dân.
Ngày nay, ma túy vẫn tiếp tục hủy hoại cuộc sống nhân loại. Ngoài thuốc phiện, heroin còn xuất hiện nhiều loại ma túy nguy hiểm khác như ma túy tổng hợp (ATS), cocain, “cỏ Mỹ”… Chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện công tác đổi mới công tác cai nghiện với những nhận thức mới về nghiện ma túy và cai nghiện, việc bảo đảm quyền con người, việc kết hợp giảm cầu và giảm hại, xây dựng các mô hình, phương thức điều trị cai nghiện mới.
Theo tư tưởng phòng chống ma túy của Bác Hồ, cần phải tiếp tục coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để huy động cả hệ thống chính trị, đầu tư nguồn lực tương xứng nhiệm vụ phòng chống ma túy. Dù thực hiện nhiều giải pháp thì vấn đề “cấm hút thuốc phiện” như Bác nói, nhiệm vụ giảm cầu ma túy, giảm người sa vào nghiện ngập các loại ma túy, cai nghiện, hòa nhập cộng đồng cho họ vẫn là giải pháp then chốt của chương trình phòng chống ma túy.
Điều kiện kinh tế-xã hội nước ta lúc này dù còn nhiều khó khăn nhưng so với những ngày mới lập nước năm 1945 thì đã thuận lợi khác xa.Nhưng tình hình ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu chính quyền các cấp ở nơi nào không coi đây là nhiệm vụ cấp bách mà chủ quan, lơ là, không có chỉ đạo quyết liệt thì có thể nói chưa làm tròn trách nhiệm với dân, với nước theo tư tưởng của Bác Hồ.
Lê Hiền