Mô hình Bắc Âu và Luật phòng chống mại dâm mới của Pháp Ngày đăng: 06/06/2016
Vào ngày 06 tháng 4 năm 2016, Pháp đã thông qua luật chống mại dâm. Trong Luật 1981 của Pháp về xử phạt tội hiếp dâm thì hiếp dâm được định nghĩa là "một hành động của sự thâm nhập tình dục bằng bạo lực, cưỡng ép, đe dọa hoặc bất ngờ". Quốc hội Pháp đã dành nhiều năm làm việc với các ủy ban điều tra của quốc hội và lắng nghe tất cả các bên liên quan, trên cơ sở đó Quốc hội đã đi đến quyết định coi quan hệ tình dục gắn liền với giao dịch tiền bạc là một hành động mang tính cưỡng chế. Quốc hội cho rằng sự hiện diện của tiền trong quan hệ tình dục là bằng chứng không thể chối cãi của việc thiếu ý chí tự do của một trong các bên tham gia. "Mại dâm, trong thực tế, rất đơn giản. Đó là quan hệ tình dục giữa hai người - giữa một người muốn nó và một người không. Tiền bạc trở thành phương tiện thay thế cho sự thiếu mong muốn đó” – đại diện cho quan điểm của Quốc hội, một Nghị sĩ cho hay. Do đó, Quốc hội đề nghị coi mại dâm là hoạt động phạm pháp, áp dụng đối với chủ thể của hành vi quan hệ tình dục áp đặt này, chính là người mua dâm. Điều này có nghĩa là người mua dâm sẽ bị xử phạt chứ không phải người bán dâm.

Nhiều người cho rằng mại dâm là một hoạt động vô hại giữa hai người trưởng thành, không ảnh hưởng đến ai, nhưng trên thực tế, con đường hình thành mại dâm tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa. Quốc hội đã chỉ ra rằng rất nhiều người quyết định hành nghề mại dâm từ khi còn là một đứa trẻ vị thành niên, thường bởi họ không còn sự lựa chọn nào khác. Một số lượng không nhỏ trong số đó phải chịu áp lực trực tiếp từ những kẻ bảo kê hoặc thậm chí nằm trong mạng lưới buôn bán người. Họ phải phục vụ nhu cầu của khách dưới sự điều hành của những kẻ chăn dắt, chủ chứa, và đương nhiên là họ không có quyền từ chối nếu họ không muốn. Nghèo đói, bị gạt ra ngoài lề xã hội và bạo lực đang ngày càng gia tăng giữa những người phụ nữ trẻ này.  

Các đại biểu quốc hội Pháp nói rằng họ đã nhìn thấy sự thất bại của nỗ lực hợp pháp hóa mại dâm ở nhiều quốc gia. Trong thực tế, ở các nước mà mại dâm đã được hợp pháp hóa và nơi ma cô được coi là doanh nhân bình thường thì hoạt động buôn bán phụ nữ đã trở nên bùng nổ. Ví dụ như Đức, Úc, Tây Ban Nha và Hà Lan. Một khi nhu cầu tình dục được coi là hàng hóa bình thường thì không có gì có thể cản trở được sự tăng trưởng của thị trường. Các nghị sĩ Pháp cho rằng, cũng giống như Luật xét xử tội phạm hiếp dâm không khiến cho tình trạng hiếp dâm biến mất, nhưng ít ra những nạn nhận sẽ nhận được sự bồi thường; thì đạo luật mới này cũng không thể ngay lập tức ngăn chặn hoạt động mại dâm, nhưng nó cung cấp cho chúng ta phương tiện để chống lại tệ nạn này. Do đó, các cơ quan lập pháp đã dành rất nhiều kinh phí cho vấn đề mại dâm, và đã quyết định lựa chọn một mô hình mang tính khả thi cao: mô hình Thụy Điển hay còn gọi là mô hình Bắc Âu. Mô hình này đã thành công trong việc cắt giảm khai thác thương mại tình dục ở những nơi mà nó được đưa vào thực hiện. Các nhà lập pháp Thụy Điển đã sớm nhận ra vai trò chủ yếu của người mua dâm trong hệ thống mại dâm. Các ma cô tồn tại bởi vì thị trường cần một người trung gian kết nối nhu cầu khách hàng với những người đang chịu áp lực về tiền và đôi khi không có con đường nào khác ngoài chấp nhận bán thân. Chỉ cần không có khách hàng mua dâm, không có thị trường, thì sẽ không tồn tại môi giới, cũng như không có buôn bán người. Do đó sẽ là không công bằng khi chỉ có chủ chứa và người bán dâm bị phạt, bởi vì thực ra họ chỉ có vai trò thứ cấp trong mối quan hệ nguyên nhân – kết quả này.

Luật này được đề xuất bởi một Nghị sĩ thuộc Đảng xã hội chủ nghĩa của Pháp, củng cố cho cuộc chiến chống mại dâm ở quốc gia này. Luật này cho thấy rằng quốc hội đã lắng nghe tiếng nói của người bán dâm, những người đã được chứng minh là nạn nhân của những chấn thương tinh thần và thể chất, hậu quả của rất nhiều lần quan hệ tình dục không mong muốn mỗi ngày. Những chấn thương về tinh thần và thể chất này đã được cung cấp trong các tài liệu nghiên cứu về chấn thương học.

Luật này ra đời không gì khác hơn để khẳng định rằng phụ nữ không phải là hàng hóa để mua bán, trao đổi. Nói cách khác, đây là đạo luật về phẩm giá con người./.

Phạm Ngọc Dũng