Thế nào là giảm thiểu tác hại của ma túy?
Từ đầu những năm 1990 trở về trước, theo quan niệm của Liên Hợp Quốc và nhiều nước, phòng chống ma tuý là một hoạt động tổng hợp bao gồm 2 lĩnh vực chính: giảm cung (supply reduction), giảm cầu (demand reduction). Liên Hợp Quốc và các nước đã ban hành 3 Công ước phòng chống ma tuý và các đạo luật phòng chống ma tuý, trong đó quy định rất chặt chẽ các biện pháp phòng chống tội phạm ma tuý, cai nghiện ma tuý và nhiều biện pháp phòng chống ma tuý. Thế giới đã đầu tư rất nhiều nhân lực và vật lực cho công tác phòng chống ma tuý. Tuy nhiên tình hình ma tuý thế giới và khu vực vẫn diễn biến rất phức tạp. Công tác cai nghiện ma tuý hiệu quả rất hạn chế, tỷ lệ tái nghiện nhìn chung của thế giới rất cao.
Vì vậy, từ đầu những năm 1990, ở nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện thêm các biện pháp mới trong công tác phòng chống ma tuý: giảm tác hại (harm reduction). Giảm cung là việc triệt phá sản xuất và cung cấp ma túy bất hợp pháp và kiểm soát cũng như quản lý các chất gây nghiện hợp pháp; giảm cầu là việc từng bước đẩy lùi việc sử dụng ma túy nguy hại; giảm hại là việc giảm tác hại ảnh hưởng do sử dụng ma túy. 3 hoạt động này gắn bó chặt chẽ với nhau và đòi hỏi phải được tiến hành đồng thời. Các biện pháp giảm tác hại bổ sung cho các biện pháp giảm cung và giảm cầu ma tuý. Công tác phòng chống ma tuý chỉ có hiệu quả khi tiến hành đồng bộ và có hiệu quả 3 hoạt động này.
Trên thế giới để giảm tác hại của ma tuý theo nghĩa hẹp, các nước thường sử dụng các biện pháp như: Dùng ma tuý nguyên chất để cung cấp cho người nghiện nhằm giảm bớt các tác hại do ma tuý không tinh khiết mà bọn tội phạm ma tuý hay sử dụng ngoài thị trường đen để đem bán cho người nghiện ma tuý dễ gây ra các bệnh tật. Ví dụ, Chính phủ Úc có chương trình nhập 3 kg heroin/năm cho thành phố Canberer sử dụng trong 1 năm.
Hoặc các nước có thể ban hành các quy định pháp luật cho phép sử dụng một số loại ma tuý nhẹ hoặc cho phép lưu trữ, sử dụng một số lượng ma tuý nhất định cho nhu cầu cá nhân. Ví dụ, luật pháp Canada chấp nhận cần sa, không coi việc sử dụng cần sa là phạm pháp. Hay tại các nước Hà Lan, Hy Lạp… nếu lưu giữ, sử dụng ma tuý ít, chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân thì không coi là phạm pháp.
Bên cạnh đó, các biện pháp khác để giảm thiểu tác hại của ma túy như: sử dụng liệu pháp thay thế Methadone; phát miễn phí và đổi kim tiêm sạch để phòng ngừa tiêm chích ma tuý gây ra lây nhiễm HIV/AIDS; sử dụng chất đối kháng trong cai nghiện ma tuý (thông thường các nước sử dụng Naltrexone để hỗ trợ giải độc trong cai nghiện ma tuý).
Ở nước ta trong những năm qua, cùng với các biện pháp cai nghiện ma tuý, ở một số cơ sở, địa phương ngành Y tế đã bắt đầu nghiên cứu, áp dụng các biện pháp giảm tác hại trong phòng chống ma tuý. Chủ yếu là các biện pháp như: Dùng bơm kim tiêm sạch phát cho người nghiện ma tuý nhằm mục đích phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, thường lồng ghép với chương trình phát bao cao su; Dùng liệu pháp thay thế Methadone để chữa trị, giảm tác hại cho những người nghiện ma tuý sử dụng nhóm Opiat.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những lo lắng cho rằng các giải pháp trên, nhất là giải pháp cung cấp bơm kim tiêm dùng một lần và cung cấp bao cao su có “vẽ đường cho hươu chạy” làm tăng hành vi nghiện chích ma tuý và mại dâm hay không? Chương trình đổi bơm kim tiêm được thực hiện từ năm 1982 tại châu Âu với mục đích dự phòng viêm gan B và C (các bệnh lây qua đường máu) trong nhóm nghiện chích ma túy nhờ làm giảm hiện tượng dùng chung bơm kim tiêm. Các trung tâm khoa học lớn trên thế giới đã nghiên cứu và khẳng định không có bằng chứng cho thấy các giải pháp giảm tác hại làm tăng tần xuất tiêm chích heroin và mại dâm. Phương pháp này không chỉ giảm nguy cơ dùng chung bơm kim tiêm mà còn giảm số bơm kim tiêm bẩn vứt bừa bãi trong cộng đồng, đe dọa sự an toàn của người dân.
Những cuộc điều tra dư luận trong dân chúng do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tiến hành cũng cho thấy số đông (trên 70%) số người được hỏi cho rằng những giải pháp này không phải là nguyên nhân làm tăng số người nghiện. Kết quả điều tra nhận xét của nhân dân tại một số điểm ở Lạng Sơn đã áp dụng biện pháp phân phát bơm kim tiêm cũng cho thấy tương tự.
Còn chương trình điều trị nghiện bằng Methadone từng gây tranh cãi và gây lo ngại khi đưa vào sử dụng, vì nó là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nếu dùng methadone để thay thế heroin sẽ mang lại những lợi ích sau: methadone sử dụng bằng đường uống thay cho heroin bằng đường tiêm; methadone rẻ hơn nhiều so với heroin nên làm giảm rất nhiều các tội phạm hình sự liên quan đến heroin; methadone không gây tăng liều như heroin, tỷ lệ tái nghiện heroin rất thấp…
Những cơ sở pháp lý
Thực hiện giải pháp giảm tác hại ở nước ta đã có những cơ sở pháp lý cụ thể. Ngày 3/6/2008, Quốc hội khoá XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý. Tại điều 34a của Luật này bổ sung như sau: “Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý là biện pháp làm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma tuý của người nghiện gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý được triển khai trong nhóm người nghiện ma tuý thông qua chương trình dự phòng hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý và tổ chức thực hiện các biện pháp này”.
Bên cạnh đó, trong Bộ Luật Hnh sự sửa đổi năm 2009, việc sử dụng trái phép ma túy không còn bị "truy cứu trách nhiệm hình sự", mà chỉ còn bị "xử lý hành chính", với hình thức phạt tiền (trong một số điều kiện nhất định, người nghiện có thể bị đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc). Việc không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm không có nghĩa là dung túng đối với hành vi này mà cần có biện pháp xử lý hiệu quả, bền vững hơn như biện pháp bắt buộc chữa bệnh, nâng cao các biện pháp điều trị y tế kết hợp với lao động, giáo dục tại gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh việc phi hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, trong xã hội, tính đồng thuận trong tiến hành các giải pháp giảm tác hại ngày càng cao. Nhiều cuộc hội thảo về chủ đề này đã được tổ chức để nhìn nhận tầm quan trọng cũng như kinh nghiệm của việc thực hiện giảm tác hại.
Những năm gần đây Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo và đẩy mạnh việc thực hiện giảm tác hại ở các địa phương. Đến năm 2015, chương trình phân phát bơm kim tiêm đã được khai tại 53 tỉnh/thành phố, tiếp cận gần 100.000 người nghiện chích ma túy, tổng số bơm kim tiêm sạch được phân phát miễn phí trên 15,4 triệu chiếc. Hoạt động phân phát bao cao su triển khai tại 50 tỉnh thành phố cho các nhóm nguy cơ cao, chương trình đã phân phát bao cao su cho gần 35.000 người nghiện chích ma túy, 13.000 nam quan hệ tình dục đồng giới và 24.000 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV hoặc nguy cơ cao…
Điều trị Methadone được triển khai mạnh mẽ, đến nay đã có 57 tỉnh, 239 cơ sở điều trị Methadone, 43.720 người được điều trị Methadone; thuốc Methadone đã được cấp phát đến tuyến xã, phường, So với năm 2014, số người điều trị Methadone tăng gấp 2 lần, so với mục tiêu của năm 2015 đạt 55%, 6 tỉnh vượt chỉ tiêu điều trị Methadone theo chỉ tiêu được giao của Chính phủ gồm (Đồng Tháp (198%), Sóc Trăng (129%), Lai Châu (117%), Long An (102%), Vĩnh Long (101%)).
Giảm tác hại là một bộ phận quan trọng trong công tác phòng chống ma tuý, vì vậy cần phải có một cách nhìn mới về vấn đề này. Việc sử dụng các biện pháp giảm tác hại trong phòng chống ma tuý không phải là sự thoả hiệp với ma tuý, mà là để bổ trợ cho công tác này, nhất là trong công tác cai nghiện ma tuý. Tuy nhiên cần lựa chọn biện pháp nào để đảm bảo có hiệu quả cao, tránh hiểu lầm về nhận thức xã hội. Vì vậy các biện pháp giảm tác hại phải có những quy định pháp luật chặt chẽ giống như các biện pháp giảm cung, giảm cầu ma tuý. Bên cạnh đó, trong thời gian tới tiếp tục cần tạo một sự đồng thuận mạnh mẽ hơn giữa các bộ, ban, ngành về giảm tác hại để mọi địa phương và mọi ngành vững tâm vận dụng và thực hiện các giải pháp này.
Cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại
Tại Kỳ họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS 2016) diễn ra trung tuần tháng 4 vừa qua, các quan chức LHQ và nhiều lãnh đạo thế giới đã đề cập tới một xu hướng tiếp cận mới trong cuộc chiến chống ma túy, đặt con người làm trung tâm, tập trung giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng ma túy.
Phát biểu tại đây, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công An cho biết, các giải pháp giải quyết vấn đề ma túy cần được cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy, đồng thời chú trọng vào hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy.
Việt Nam coi trọng các biện pháp phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, từ đó thúc đẩy sự đồng tình và tích cực tham gia của toàn xã hội vào các chương trình, hoạt động phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, Việt Nam đang ngày càng củng cố hệ thống cơ quan phòng, chống ma túy từ trung ương xuống các địa phương; tăng cường điều tra xử lý tội phạm; gắn kết chương trình thay thế cây có chứa chất ma túy với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; huy động các nguồn vốn đầu tư phục vụ công tác phòng, chống ma túy. Với tinh thần nhân văn, Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, chăm sóc người nghiện ma túy, thông qua các mô hình điều trị đa dạng, cung cấp các dịch vụ tư vấn, các biện pháp can thiệp giảm tác hại, tái hòa nhập cho người sử dụng ma túy.
Theo Hoàng Anh (Trang Tiếng Chuông)