Chất gây nghiện và gây chết người
Trong khi cần sa tự nhiên phải cắt nhỏ trước khi hút và đốt lên có mùi nồng đặc trưng dễ bị phát hiện, cần sa tổng hợp được bán trong túi đóng sẵn với bao bì sặc sỡ.
Mặc dù trên bao bì có cảnh báo “not for human consumption” (không sử dụng cho người), tuy nhiên vẫn có nhiều người bất chấp khuyến cáo thản nhiên sử dụng.
Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, cần sa tổng hợp thường ngụy trang dưới mác gia vị, hương liệu, trà thảo mộc… trong các bao bì bắt mắt, dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Kronic, Magic Dragon, Spice, Black Mamba, K2, Fake Marijuana, Sexy Monkey, Blue Night, Full Moon...
Tiến sĩ Richard Kevin, trường Đại học Sydney (Úc), người đã từng làm nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của cần sa tổng hợp lên cơ thể chuột nhận xét: Không quá khó để điều chế ra cần sa tổng hợp, các sản phẩm này được sử dụng vào mục đích nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm. Ban đầu, các hợp chất này được tạo ra nhằm mục đích nghiên cứu tác động của cần sa đến hệ thần kinh ở động vật, chứ không có mục đích dành cho người sử dụng.
Nguy hiểm nhất là một số loại cần sa tổng hợp như K2/Spice có thành phần gồm hỗn hợp các loại thảo mộc khô, gia vị và hoa phun với các hợp chất tổng hợp hoặc hóa học tương tự như THC (tetrahydrocannabinol) được tìm thấy trong cần sa và được bán như loại hương liệu (để hít). Thứ hỗn hợp này có mùi rất thơm, kể cả đốt lên cũng không có mùi hắc nồng, đặc trưng của cần sa. Đặc biệt, những dụng cụ đo lường, kiểm tra và chó cảnh sát cũng không phát hiện ra được mùi này, bởi nó không khác gì thuốc lá thơm hay shisha.
Thoạt nhìn, cần sa tổng hợp có vẻ giống cần sa tự nhiên, song theo các chuyên gia, cần sa tổng hợp thực chất không chứa cần sa, mà chỉ tạo ra tác dụng giống cần sa nhờ những chất hóa học. Cần sa tổng hợp thường được những kẻ bán chào hàng là hoàn toàn hợp pháp, bởi sản phẩm không dùng chất cấm.
Tuy nhiên, nó có khả năng gây nghiện ngập và gây tử vong hơn nhiều, do nồng độ các chất được sử dụng để bắt chước hoạt chất THC (tetrahydrocannabinol) gây tác dụng về mặt tâm thần. Hiệu ứng của các loại hoá chất trong cần sa tổng hợp tới hệ thụ cảm não bộ có thể mạnh hơn 100 lần so với hoạt chất THC trong cần sa tự nhiên.
Chỉ tính riêng tại Mỹ trong năm 2015 đã có hơn 30.000 ca ngộ độc cần sa tổng hợp. Nhiều người sử dụng cần sa tổng hợp chỉ cần một lần hít thử đã có thể gây ảo giác, co giật, thậm chí không kiểm soát nỗi bản thân.
Đặc biệt, nếu dùng cần sa tổng hợp liên tiếp trong một thời gian dài với hàm lượng lớn hậu quả sẽ là cao huyết áp, mất trí nhớ và tệ hơn là trụy tim, sốc não, thậm chí là tử vong.
Khó kiểm soát
Theo một cuộc thăm dò được Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện vào năm 2012, cần sa tổng hợp là loại chất gây nghiện được giới trẻ tiêu thụ nhiều thứ hai, chỉ sau cần sa tự nhiên. Cần sa tổng hợp có hàng nghìn loại khác nhau, nên công tác kiểm soát rất khó khăn. Thậm chí, nếu cảnh sát có bắt giữ được kẻ buôn bán cũng chưa chắc có thể kết tội được.
Trong năm 2015, có hơn 20.000 vụ bắt giữ cần sa tổng hợp tại Mỹ. Tuy nhiên, trong số này có chưa đến 1/4 vụ bị cấu thành tội phạm, bởi có người nhập viện, cảnh sát mới vào cuộc truy quét loại cần sa tổng hợp đó.
Ông Zbigniew Fijalek - một nhà hóa học cho biết: "Nhiều vụ bắt giữ cảnh sát đã phát hiện ra những hợp chất cần sa mới, nhưng chưa có bằng chứng về tác hại như có nạn nhân bị sốc thuốc hay nhập viện, nên không thể kết tội được".
Ông Chuck Rosenberg, người đứng đầu Cơ quan Phòng chống buôn lậu ma túy của Mỹ (DEA), khẳng định, dù người tiêu thụ có thể mua và sử dụng chung một gói cần sa tổng hợp, nhưng mỗi người lại có những phản ứng rất khác nhau với sản phẩm.
Thời gian qua, các nhà khoa học trên thế giới đã liên tục nghiên cứu, phân tích từng hợp chất và sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất như máy quét chuyên dụng để xác định các loại hợp chất của cần sa tổng hợp. Sau khi xác định hợp chất, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý.
“Tổng thời gian để chính thức cấm một hợp chất nhanh sẽ mất vài tuần, nhưng cũng có khi mất cả năm”, ông Rusty Payne - Đại diện cơ quan bài trừ ma túy Mỹ nói.
Các nhà khoa học cho biết, chỉ cần thay đổi 1 hoặc 2 liên kết hóa học của cần sa tổng hợp sẽ tạo ra một loại hợp chất mới chưa hề bị cấm. Năm 2015, chỉ riêng tại Mỹ phát hiện hơn 300 hợp chất cần sa tổng hợp mới và theo các nhà khoa học vẫn còn hàng nghìn hợp chất chưa được xác định.
Tại Việt Nam, từ tháng 1/2016 đã chính thức cấm một số hợp chất có trong cần sa tổng hợp. Tuy nhiên với giá thành rẻ, cùng với việc mang lại ảo giác nhanh và mạnh bất thường nên khá được “ưa chuộng”. Hậu quả nguy hiểm nhất của cần sa tổng hợp là nó tác động rất kinh khủng đến hệ thần kinh. Nếu sử dụng trong 3 tháng liên tục thì khả năng hồi phục của não bộ là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Vì thế, việc cai nghiện cần sa tổng hợp cũng trở nên vô cùng gian nan.
Theo Hoàng Anh (Trang Tiếng chuông)