Hít cỏ Mỹ gây loạn thần, hoang tưởng Ngày đăng: 28/03/2016
Cỏ Mỹ được xem là loại “ma túy tổng hợp” mới du nhập vào Việt Nam. Loại ma túy này đang lan truyền nhanh trong giới trẻ, gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), về các biện pháp đấu tranh để ngăn ngừa loại ma túy này.

Mối hiểm họa vô cùng lớn

Thưa ông, tình hình tội phạm liên quan đến cỏ Mỹ thời gian qua ở Việt Nam như thế nào?

Đại tá Phạm Văn Chình: Tình hình tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp nói chung ở Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có tội phạm liên quan đến cỏ Mỹ (tên khoa học lấy ký hiệu là XLR-11). Cỏ Mỹ xuất hiện ở Việt Nam cuối năm 2014 đầu năm 2015. Trước đây, khi cỏ Mỹ chưa bị cấm, thâm nhập vào Việt Nam rất nhanh, một bộ phận giới trẻ đua đòi sử dụng và cho rằng cỏ Mỹ không phải là ma túy và không gây nghiện.

Tình trạng buôn bán và vận chuyển cỏ Mỹ vào Việt Nam hiện cũng rất phức tạp, khó quản lý. Trong thời gian qua, công an một số tỉnh, thành phố đã bắt giữ một số lượng lớn cỏ Mỹ. Từ ngày 1-2, Nghị định 126/2015 ngày 9-12-2015 của Chính phủ ban hành bổ sung các danh mục chất ma túy và tiền chất đã đưa cỏ Mỹ vào danh mục này. Như vậy, mọi hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép cỏ Mỹ sẽ bị cấm.

Hậu quả của việc sử dụng cỏ Mỹ là gì, thưa ông?

Cỏ Mỹ là một loại ma túy có độc tính và gây nghiện cao, không thua kém gì so với các loại ma túy tổng hợp khác. Hậu quả của cỏ Mỹ là vô cùng ghê gớm, những chất có trong cỏ Mỹ tác động mạnh lên hệ thần kinh của những người sử dụng. Nếu sử dụng trong thời gian dài, cỏ Mỹ gây ra các dấu hiệu loạn thần, ảo giác, kích động, căng thẳng, lo lắng, hoang tưởng, tư tưởng cực đoan dễ hành động gây hại cho mình và người khác không thua kém gì sử dụng ma túy đá. Thậm chí người sử dụng còn có các hành vi bạo lực và phạm các tội khác về hình sự.

Điều đáng báo động là cỏ Mỹ len lỏi ngày một nhiều vào giới trẻ gây ra một cơn sốt hít cỏ. Mặc dù cơ quan chức năng giám định trong cỏ Mỹ có chứa chất gây nghiện, song không ít người sử dụng vẫn quan niệm rằng nó chỉ là một loại thuốc lá bình thường để “giải trí”.

Xử lý hình sự

Từ ngày 1-2-2016, cỏ Mỹ chính thức nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất. Những đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng cỏ Mỹ sẽ bị xử lý như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, trước những hiểm họa của cỏ Mỹ đối với cộng đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2015 bổ sung chất này vào danh mục các chất ma túy và tiền chất. Theo nghị định này, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép cỏ Mỹ sẽ xử lý hình sự như hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán cần sa, bởi đây là tội phạm ma túy. Tuy nhiên, hiện nay việc giám định để xác định tỉ lệ phần trăm chất ma túy trong cỏ Mỹ còn có nhiều khó khăn, vì đây là ma túy mới, do vậy việc xử lý hình sự còn vướng mắc.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ thực hiện các giải pháp gì để đấu tranh với tội phạm ma túy này?

Trước mắt cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phối hợp với cơ quan giám định tiến hành giám định. Nếu những vụ nhỏ chưa xử lý bằng hình sự thì phải xử lý bằng hành chính thật nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục. Cục đã hướng dẫn các địa phương các biện pháp để ngăn chặn loại ma túy mới này vào Việt Nam.

Tuy nhiên, không có giải pháp nào hiệu quả hơn ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ. Cần phải làm cho các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên nắm được kiến thức về các loại ma túy, nhất là khi ma túy tổng hợp ngày càng biến tướng và len lỏi vào đời sống hiện nay. Phải làm sao để các em hiểu rằng cỏ Mỹ là một mối hiểm họa vô cùng lớn của xã hội.

Xin cám ơn ông.

Chất gây nghiện nguy hiểm

Cỏ Mỹ là một hỗn hợp các loại thảo mộc khô cắt nhỏ, bản chất cây này không phải là ma túy tổng hợp nhưng sau đó các đối tượng tẩm những chất có ma túy vào. Chất ma túy được tẩm vào như dạng thuốc an thần, kích thích thần kinh, tương tự như THC (tetrahydrocannabinol) được tìm thấy trong cần sa.

Kết quả giám định mẫu thực vật khô của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an ở trong gói cỏ Mỹ (là tang vật của một số vụ) xác định có thành phần XLR-11 (tên khác là 5-fluoro-UR-144). Đây là một hoạt chất gây nghiện nguy hiểm, ảnh hưởng của XLR-11 và một số chất khác có trong cỏ Mỹ đối với người sử dụng giống như cần sa nhưng mạnh hơn rất nhiều lần. Bởi vậy, cỏ Mỹ thực chất là một loại ma túy tổng hợp.

Đại tá PHẠM VĂN CHÌNH
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

 

Theo Huy Hà (Pháp luật TPHCM)