Tính đến tháng 10/2015, các Trung tâm đã tiếp nhận 8.314 học viên, trong đó 4.597 người cai bắt buộc theo quyết định của Tòa án (số không có nơi cư trú ổn định là 4.143 người, số có nơi cư trú ổn định là 454 người) và 3.717 học viên cai tự nguyện.
Trung tâm cai nghiện tư nhân giai đoạn 2011-2014 cai nghiện cho 16.480 lượt người (chủ yếu là cắt cơn, giải độc trong thời gian 10-30 ngày) và hiện đang cai nghiện cho 4.620 người. Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng. Đến nay, đã có 9/63 tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện và tổ chức cai nghiện cho 4.757 người, trong đó 2.710 người cai tại gia đình và 1.720 người cai nghiện tại cộng đồng.
Về công tác quản lý sau cai, niện nay, các địa phương đang quản lý sau cai đối với 23.569 người, trong đó quản lý sau cai tại cộng đồng là 19.327 người, quản lý sau cai tại các trung tâm là 4.242 người.
Đối với công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện có 54/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, với 200 cơ sở, tăng 67 cơ sở so với cuối năm 2014 (133/200), điều trị cho 37.063 người, tăng 11.840 người so với cuối năm 2014 (25.223/37.063).
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai 7 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa, đang điều trị cho 1.434 người (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An và TPHCM). Trong 7 cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone xã hội hóa có 3 cơ sở chuyên điều trị Methadone, 4 cơ sở điều trị Methadone đặt trong cơ sở cai nghiện tự nguyện. Hiện còn 11 cơ sở cai nghiện tự nguyện có chức năng điều trị Methadone đã được UBND các tỉnh, thành phố thành lập, xong chưa tiếp nhận đối tượng (đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định về điều trị Methadone).
Hiện nay, số người nghiện đang trong chương trình cai nghiện, quản lý sau cai, điều trị bằng Methadone và người nghiện không có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội là: 91.612 người, việc quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ họ bằng các hình thức khác nhau đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là những địa phương có nhiều người nghiện lang thang không có nơi cư trú ổn định.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy trong thời gian tới, cần tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, đối với quy định của Luật Phòng, chống ma túy người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn, trong thời gian cai nghiện không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 3-6 tháng; Nghị định số 94/2010/NĐ-CP quy định thời gian cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là từ 6-12 tháng). Quy định về thời gian thực hiện 2 biện pháp này khác nhau gây khó khăn cho việc thực hiện.
Bên cạnh đó, không nên áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, trừ trường hợp người điều trị có xét nghiệm dương tính với chất dạng thuốc phiện từ 2 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) sau khi đã đạt liều duy trì từ 12 tháng trở lên (Điều 3, Nghị định 96/2012/NĐ-CP). Nghị định không quy định chế tài xử lý đối với những người điều trị Methadone đồng thời sử dụng các loại ma túy không thuộc nhóm chất dạng thuốc phiện như: ATS, cần sa, cỏ Mỹ… dẫn đến nhiều người vừa tham gia điều trị Methadone vừa sử dụng ATS song không xử lý được, gây thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tương tự như người cai nghiện bắt buộc để khuyến khích người nghiện tự đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình để giảm chi phí cho gia đình người tự nguyện cai nghiện.
Xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng chống ma túy như: áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vì đó là hành vi có chủ đích của con người để phòng ngừa nghiện ma túy chứ không chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người đã nghiện ma túy như Luật hiện hành.
Trong thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng Luật, Quốc hội đã cho phép tiếp tục thực hiện nội dung của Nghị quyết 77/2013/QH13 về việc “giao Trung tâm, cơ sở tiếp nhận xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận, để quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho họ trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Cao Nhất Phiến