“Bạo lực trên cơ sở giới” được hiểu bao gồm những hình thức sau:
- Bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong gia đình bao gồm đánh đập, bóc lột tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em trong gia đình, bạo lực liên quan đến của hồi môn, cưỡng hiếp trong hôn nhân, làm tổn thương bộ phận sinh dục phụ nữ và những phong tục truyền thống khác tổn hại đến người phụ nữ, bạo lực ngoài mối quan hệ vợ chồng và bạo lực liên quan đến sự bóc lột.
- Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong cộng đồng bao gồm cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, đe dọa và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tại các cơ sở giáo dục và bất kỳ đâu, buôn bán phụ nữ và ép buộc hoạt động mại dâm.
Mặc dù, nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân, song chủ yếu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Những thiệt hại do bạo lực giới gây ra trong nhiều trường hợp là rất lớn, gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần như chi phí chăm sóc sức khỏe, thiệt hại tài sản của hộ gia đình, mất thu nhập…
Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực giới là do:
- Tư tưởng trọng nam khinh nữ.
- Bất bình đẳng về kinh tế.
- Sự thống trị và kiểm soát của nam giới trong quá trình ra quyết định.
- Hạn chế khả năng tham gia công việc của phụ nữ ngoài xã hội.
- Tồn tại hình thức sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột.
Trong những năm qua, Chính phủ nước ta được đánh giá là chính phủ đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ.
Trong giai đoạn từ 2004 đến nay, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến bạo lực giới đã được thông qua, như Chương trình quốc gia phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em 2004; Luật Bình đẳng giới 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007; Kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL) giai đoạn 2008-2015;... Các văn bản quy phạm pháp luật này đã cải thiện đáng kể khung pháp lý và chính sách liên quan tới bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Theo thống kê trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có trên 3.000 người đang hoạt động mại dâm và hơn 29.000 cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vì lợi nhuận đã tìm cách hoạt động biến tướng, trá hình với các biểu hiện như: tự chuyển đổi chức năng kinh doanh các quán ăn, nhà hàng thuần túy trở thành các nhà hàng, các quán bar có tiếp viên nữ phục vụ khách, các cơ sở chẩn trị, y học cổ truyền day ấn huyệt thành cơ sở massage, xông hơi xoa bóp với các hành vi kích dục, bán dâm cho khách tại nơi kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh quá giờ quy định, sử dụng băng đĩa, ca nhạc có nội dung cấm phổ biến; tổ chức múa khoả thân, khiêu dâm; sử dụng heroin, thuốc lắc; biến địa điểm kinh doanh thành nơi ăn chơi sa đọa; hoạt động mại dâm hoặc môi giới mại dâm,... Nạn bạo hành đối với phụ nữ bán dâm có xảy ra, nhưng phần lớn không được người bán dâm trình báo với chính quyền địa phương do họ ngại không muốn tiết lộ những hành động bạo lực của người mua dâm đối với bản thân mình vì đây là một việc làm vi phạm pháp luật và bản thân người bán dâm cũng chưa am hiểu hết về các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình. Mặc khác, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm không quy định biện pháp cụ thể nào về đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm liên quan đến việc được bảo vệ trong những vụ án hiếp dâm và cưỡng bức tình dục khác mà họ rất dễ bị tổn thương trong khi hoạt động mại dâm.
Trước thực trạng về tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn Thành phố cũng đã dẫn đến những hệ quả được xem là điểm nóng của "căn bệnh thế kỷ". Theo thống kê của Ủy ban Phòng chống AIDS, thành phố hiện có gần 60.000 ca nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 30-39. Trong đó, có 13% bệnh nhân HIV do mại dâm đường phố và 9% lây nhiễm từ mại dâm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Tỷ lệ người nhiễm là nữ tiếp viên liên tục tăng trong những năm gần đây. Người hoạt động mại dâm hiện nay đang rơi vào vòng luẩn quẩn: bị phân biệt đối xử, sống trong môi trường rủi ro, dễ bị tổn thương, chất lượng cuộc sống suy giảm, bị bạo lực, dễ dính vào ma túy, lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và lại tiếp tục bị kỳ thị. Chính vì vậy, việc tăng cường phòng, chống tệ nạn mại dâm gắn liền với việc phòng, chống bạo lực giới đối với phụ nữ bán dâm và tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi, tuy nhiên đã và đang gặp không ít những khó khăn, phức tạp và trở ngại cụ thể như sau:
- Tình hình hoạt động mại dâm tại nơi công cộng (đứng đường, sử dụng xe máy), mại dâm đồng giới, chuyển giới có chiều hướng ngày một gia tăng do một số ít chính quyền địa phương trên địa bàn Thành phố chưa thật sự thường xuyên duy trì công tác tuần tra, chốt chặn tại những tuyến đường, tụ điểm đã và đang được chuyển hóa.
- Hiện tượng mại dâm nam, mại dâm đồng giới, mại dâm theo đường dây “gái gọi”, chào hàng trên mạng internet, mại dâm liên tỉnh và có yếu tố liên quan đến nước ngoài; các hành vi khiêu dâm, kích dục tại cơ sở kinh doanh dịch vụ và mại dâm trong giới người mẫu, diễn viên có dấu hiệu ngày một phức tạp, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh triệt xóa và chuyển hóa mạnh những hoạt động mại dâm đối với những đối tượng này ngày càng đi vào chiều sâu, tinh vi và biến tướng, trá hình nhiều hơn.
- Việc triển khai công tác thu gom tệ nạn xã hội còn gặp khó khăn trong công tác tham mưu xử lý đối với người mại dâm không có nơi cư trú nhất định; mại dâm nam, mại dâm đồng tính; các đối tượng là người chuyển giới hoạt động mại dâm nơi công cộng có chiều hướng gia tăng, nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định về xử lý đối với số đối tượng này nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác lập hồ sơ và xử lý; Công tác thông tin phối hợp từ quận đến phường và giữa các địa bàn giáp ranh chưa được chặt chẽ và đồng bộ nên việc tổ chức triển khai chưa đạt được kết quả một cách tốt đẹp.
- Việc cấp phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ của một số ngành chức năng hiện nay còn nặng về các quy định của Luật Công ty mà không căn cứ vào những diễn biến thực tế trên, địa bàn nơi cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động, có nhiều trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức bằng cách biến tướng trá hình mại dâm, vi phạm quyền và nghĩa vụ đối với người lao động, có biểu hiện bạo lực giới, vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm; nhưng vẫn được cấp phép, đổi giấy phép kinh doanh và tiếp tục hoạt động bình thường mặc dù chính quyền địa phương cấp quận, huyện, phường, xã đã có ý kiến không đồng thuận về các trường hợp nêu trên.
Trước thực trạng tình hình nêu trên, để tích cực đẩy mạnh và tăng cường công tác phòng chống bạo lực giới đối với người bán dâm, thành phố đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến tận người dân để mọi người dân biết và phòng tránh nạn bạo lực giới; đặc biệt là đối với người bán dâm hiện nay trên địa bàn.
- Thường xuyên phối hợp với các phường, xã, thị trấn, các địa bàn giáp ranh tổ chức các đợt truy quét các loại tệ nạn xã hội; trong đó có tệ nạn mại dâm đứng đường, tích cực chuyển hóa mạnh để địa bàn thực sự lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
- Thiết lập đường dây nóng (điện thoại, email...) để thu thập các thông tin tố giác về tình trạng bạo lực giới đặc biệt là đối với phụ nữ bán dâm.
- Cải thiện và mở rộng các can thiệp giảm tác hại đối với những nguy cơ gây tổn thương cho người mại dâm, không chỉ đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ mà còn cả nhu cầu của họ về bảo trợ xã hội, phòng chống bạo lực và tiếp cận với các hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ học nghề và tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống.
- Không cấp phép kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố đã để xảy ra tình trạng mua bán dâm bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm./.
Theo báo cáo tham luận tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng vấn đề bạo lực giới trong phòng, chống mại dâm hiện nay”