PV: Thưa Cục trưởng, ông có thể cho biết tình hình tệ nạn ma túy tại Việt Nam hiện nay?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi. Vấn đề người sử dụng, lạm dụng và lệ thuộc vào các chất ma túy đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều vụ bắt giữ lên tới cả tấn ma túy, trong đó, xuất hiện nhiều loại ma túy mới, có những chất mà ngay lần sử dụng đầu tiên đã có thể bị hoang tưởng, ảo giác, loạn thần, mất khả năng kiểm soát hành vi, dẫn tới tự sát, giết người.
Theo Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), vấn đề lạm dụng ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), chất hướng thần, gây ảo giác đang gia tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực các nước Châu Á. Tại Việt Nam, tính đến 15/12/2019, cả nước có 246.500 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó: 38.244 người đang cai nghiện bắt buộc trong các cơ sở cai nghiện ma túy; gần 80% có sử dụng ATS và chất hướng thần mới. Đặc biệt, tại một số địa phương, tỷ lệ người nghiện sử dụng ATS và chất hướng thần rất cao (Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, Trà Vinh 90,7 %). Ngoài ma túy truyền thống, ATS thì các loại ma túy khác như: cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều.
PV: Trước thực trạng trên, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy của nước ta đang gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Có thể khẳng định, chính sách, pháp luật về cai nghiện của Chính phủ đã hết sức rõ ràng quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước theo chuẩn quốc tế về điều trị nghiện, trong đó, coi công tác điều trị cai nghiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn không ít khó khăn, phức tạp. Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn có quan điểm phải đưa hết người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chưa thống nhất về quan điểm giữa người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy.
Hiện, các Cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, do người nghiện và gia đình họ không tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác với chính quyền; nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện tại cộng đồng; cán bộ Tổ công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, chưa được tập huấn, đào tạo bài bản.
Bên cạnh đó, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định, cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng, đặc biệt là ma túy tổng hợp; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.
Luật XLVPHC còn quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế thì việc xác định nơi cư trú ổn định là vấn đề khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cư trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, gần 100% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định.
Luật Phòng, chống ma túy giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi tại cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, con người còn khó khăn, mà cai nghiện ma túy đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp mang tính hình thức, không hiệu quả, nhiều địa phương không thực hiện.
Quy định về quản lý sau cai tại CSCNMT theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 là hình thức, kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc, nhưng lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, điều này chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập và Đoàn đối thoại nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm CSCNMT số 6 Hà Nội
PV: Hiện, Bộ Công an đang xây dựng Dự án Luật Phòng, chống ma túy. Ông có thể cho biết, quan điểm của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội liên quan đến sửa đổi pháp luật về ma túy cụ thể như thế nào?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập: Qua khảo sát thực tiễn, đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy và pháp luật liên quan, chúng tôi thấy cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện pháp luật hiện hành, từ quan điểm chính sách đến các biện pháp xử lý, quản lý, can thiệp phục hồi đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. Trong đó, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy; bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Đồng thời, tăng cường tính khả thi và hiệu quả của pháp luật nhằm giảm thiểu tội phạm về ma túy, hậu quả do sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Từ vấn đề nêu trên và bám sát những nội dung cơ bản đã được định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung một số vấn đề trong Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, như sau:
Thứ nhất, cần phân biệt khái niệm: “hành vi sử dụng ma túy” và “tình trạng nghiện ma tuý”. “Hành vi nghiện ma túy” được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khái niệm “tội phạm ma túy” và ‘tình trạng nghiện ma túy” quy định tại Khoản 8, Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy (năm 2008). Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp can thiệp phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
Theo định nghĩa, nghiện ma tuý là tình trạng “người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”. Như vậy, tình trạng nghiện là tình trạng sinh lý của cơ thể, không phải là hành vi vi phạm pháp luật, mà hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, can thiệp sớm bằng biện pháp giáo dục hành vi giúp người sử dụng trái phép chất ma túy nâng cao nhận thức từ bỏ hành vi sử dụng ma túy, đồng thời là một biện pháp dự phòng nghiện hiệu quả.
Thứ ba, can thiệp dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy có mối quan hệ mật thiết, hoạt động có tính chuyên môn kỹ thuật cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ được chuyên nghiệp hóa và là một dịch vụ công do nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Cụ thể, trong Chương cai nghiện ma túy, đề nghị sửa thành “Can thiệp dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy”, trong đó, mục can thiệp dự phòng nghiện ma túy cần quy định rõ đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên, với các biện pháp, gồm: (1) Tự nguyện đăng ký tham gia chương trình; (2) Can thiệp chỉ định, tức là bắt buộc tham gia chương trình. Đối tượng, trình tự, thủ tục hồ sơ và thẩm quyền quyết định bắt buộc tham gia chương trình được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Về mục điều trị, cai nghiện ma túy cần quy định cụ thể đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên, với các biện pháp: (a) Cai nghiện tự nguyện; (b) Cai nghiện bắt buộc. Đối tượng, trình tự, thủ tục lập hồ sơ và thẩm quyền quyết định được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức thực hiện: Thông qua việc cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy. Chính phủ quy định điều kiện cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và khung giá dịch vụ công.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Đông