Sự cần thiết xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội
Theo xu thế cải cách hành chính, chức năng quản lý hành chính tách bạch chức năng phục vụ, trước hết thông qua việc cung cấp dịch vụ công của các đơn vị hành chính, sự nghiệp cho người dân và tổ chức độc lập với hoạt động quản lý của cơ quan hành chính nhà nước. Trong thực tiễn, quản lý nhà nước về dịch vụ công là một nội dung có nhiều tranh luận đồng thời còn vướng mắc trong xây dựng, ban hành chính sách cũng như trong tổ chức, triển khai thực hiện dịch vụ công nói chung và dịch vụ sự nghiệp công nói riêng.
Về cơ bản dịch vụ công bao gồm ba nhóm là dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích. Trong đó, dịch vụ sự nghiệp công được coi là những hoạt động phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân và tổ chức, vì lợi ích chung, do nhà nước chịu trách nhiệm cung ứng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội do Nhà nước đặt ra.
Theo Quyết định 1225/QĐ- LĐTBXH ngày 29/10/2021 ban hành Kế hoạch của triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý 7 dịch vụ sự nghiệp lao động, thương binh và xã hội sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm: Dịch vụ chăm sóc người có công; Dịch vụ về việc làm; Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em; Dịch vụ trợ giúp xã hội; Dịch vụ phòng, chống tệ nạn xã hội và Dịch vụ an toàn vệ sinh lao động. Như vậy đối với lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, dịch vụ sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước là Dịch vụ phòng, chống tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, theo Quyết định 1508/QĐ/TTg ngày 27/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ LĐ-TBXH, Nhóm dịch vụ lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội được xác định là dịch vụ sự nghiệp công nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí, bao gồm 3 loại dịch vụ sự nghiệp: (1) Dịch vụ tư vấn dự phòng nghiện ma túy; tư vấn điều trị, cai nghiện ma túy, cai nghiện phục hồi; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện công lập; (2) Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội; (3) Dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán. Yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước là cần đề xuất sửa đổi danh mục Dịch vụ sự nghiệp công phòng chống tệ nạn xã hội thuộc lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội. Quan điểm đề xuất Dịch vụ phòng về chống tệ nạn xã hội nên chia thành 3 nhóm dịch vụ, bao gồm 6 loại sự nghiệp công:
- Về cai nghiện ma túy gồm 3 loại dịch vụ: (1) Dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; (2) Dịch vụ xác định tình trạng nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; (3) Dịch vụ tiếp nhận, phân loại, điều trị, cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, các bệnh lý khác; giáo dục tư vấn tâm lý, phục hồi hành vi nhân cách, lao động trị liệu, học nghề, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập đối với người đang trong thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc.
- Về phòng chống mại dâm gồm (4) Dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại trong phòng chống mại dâm và (5) Dịch vụ hỗ trợ hoàn nhập cộng đồng đối với người bán dâm
- Về phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân (6) Dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp và hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
Về kỹ thuật xây dựng ban hành chính sách, sau khi xác định loại dịch vụ sự nghiệp công, cơ quan tham mưu về quản lý nhà nước trên lĩnh vực sẽ phải triển khai khối lượng công việc lớn, đó là:
- Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí;
- Ban hành đơn giá, giá đối với từng dịch vụ;
- Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ;
- Ban hành cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công;
- Ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công trong thực hiện cung cấp dịch vụ sử nghiệp công.
Trên cơ sở các nội dung về dịch vụ sự nghiệp công phòng chống tệ nạn xã hội đã ban hành trên đây, cần tiếp tục hướng dẫn cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Việc chia nhỏ Dịch vụ phòng chống tệ nạn xã hội thành sáu loại dịch vụ sự nghiệp công như trên sẽ không khả thi về kỹ thuật, về ngân sách cũng như sự ủng hộ của các cơ quan chức năng trong quá trình thuyết minh tính thiết yếu, xây dựng định mức kinh tế- kỹ thuật, xác định đơn giá và hoàn thiện cơ chế quản lý có liên quan.
Xuất phát từ thực tế kết quả xây dựng, ban hành quy định về dịch vụ sự nghiệp công phòng chống tệ nạn xã hội trong thời gian qua và khả năng triển khai trong thời gian tới, đây tiếp tục là những khó khăn rất đáng lưu ý.
Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về phòng ngừa mại dâm là một nội dung quản lý quan trọng của phòng chống tệ nạn xã hội
Trong lĩnh vực phòng chống mại dâm, yêu cầu ban hành dịch vụ sự nghiệp công là một nhiệm vụ quan trọng của Bộ quản lý lĩnh vực tệ nạn xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, ban hành, gần đây nhất tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 24/6/2024 của Chính phủ về việc đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ, góp phần hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực về phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và lĩnh vực phòng chống tệ nạn mại dâm nói riêng. Quá trình xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành dịch vụ sự nghiệp công cần lưu ý các nguyên tắc cơ bản như sau:
Thứ nhất, Nhà nước đảm bảo kinh phí đối với các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu;
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với dịch vụ công cơ bản;
Thứ ba, các dịch vụ sự nghiệp công khác (không phải dịch vụ công cơ bản, dịch vụ công thiết yếu) thì không sử dụng ngân sách nhà nước, xác định giá theo cơ chế thị trường, đơn vị sự nghiệp được quyết định khoản thu, mức thu đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy.
Thứ tư, thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu đối với một số dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cùng tham gia.
Dịch vụ sự nghiệp công trong phòng chống mại dâm là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu do nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí
Theo Quyết định 1508/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành lao động thương binh và xã hội, dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội là dịch vụ sự nghiệp công nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí, được xếp vào nhóm dịch vụ lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội.
Như vậy, đây là loại dịch vụ sự nghiêp công do nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí, là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu mà không phải dịch vụ sự nghiệp công cơ bản do nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.
Dưới góc độ quản lý hành chính nhà nước, việc trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội được quy định dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội là loại hình dịch vụ công thiết yếu có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt ghi nhận tầm quan trọng của lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, ghi nhận sự quan tâm hứa hẹn đầu tư của nhà nước, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu rất rất cao đối với cơ quan quản lý nhà nước trong tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật hoàn thiện thể chế, quản lý nhà nước lĩnh vực này.
Dịch vụ sự nghiệp công trong phòng chống mại dâm sẽ do đơn vị sự nghiệp cung cấp cho người dân và xã hội, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập và tư thục. Nhà nước hạn chế tối đa can thiệp trực tiếp vào quá trình cung cấp, chỉ quản lý tiêu chuẩn định mức, đơn giá, xác định đối tượng thụ hưởng, và cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ, kiểm soát nghiệm thu chất lượng dịch vụ...
Một số vướng mắc ảnh hưởng việc ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội
Thứ nhất, tên dịch vụ là Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội dẫn tới xác định phạm vi đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với yêu cầu quản lý phòng chống mại dâm.
Theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003, đối tượng quản lý nhà nước về mại dâm rất rộng, là cá nhân, tổ chức, gia đình, nhà nước, người mua dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở giáo dục, y tế , học sinh, sinh viên... đều có liên quan và có nhu cầu được hỗ trợ khác nhau, không chỉ người bán dâm mớicó nhu cầu hỗ trợ.
Việc xác định cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với người bán dâm là chưa phù hợp, chưa đánh giá nhu cầu thực tiễn, cơ sở lý luận về phạm vi đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công chưa đầy đủ.
Thứ hai, việc chỉ định tên gọi “Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội” dẫn tới cách hiểu không thống nhất.
Cách hiểu thứ nhất, chỉ có một loại dịch vụ công đó là: Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm, do cộng đồng cung cấp và do Trung tâm công tác xã hội cung cấp.
Trong trường hợp này, việc ấn định chủ thể cung cấp là Trung tâm công tác xã hội trong tên dịch vụ công là trái chủ trương xã hội hóa dịch vụ công, tối nghĩa, dễ nhầm lẫn, trong khi đó “cộng đồng” không phải là chủ thể có khả năng, thẩm quyền cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Cách hiểu thứ hai, “Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội” thực chất là hai loại dịch vụ sự nghiệp công gồm: a) Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và b) Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại Trung tâm công tác xã hội. Nếu theo nghĩa này, tức là có người bán dâm tại cộng đồng và có người bán dâm tại Trung tâm công tác xã hội và cả hai nhóm đối tượng này đều được cung cấp dịch vụ hỗ trợ ? Trong thực tế chính sách hiện nay, người bán dâm ở cộng đồng, hoà nhập dân cư, không còn người bán dâm tập trung vào các Trung tâm như trước đây.
Cách hiểu thứ ba, “Dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và Trung tâm công tác xã hội” chỉ một loại dịch vụ công. Và còn có cách hiểu khác nữa.
Tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau như trên là không phù hợp quy định ban hành văn bản pháp luật, cần sửa đổi để chỉ có một cách hiểu thống nhất, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật, đơn giá và các cơ chế quản lý khác đối với loại dịch vụ sự nghiệp công này.
Trong trường hợp này, theo chúng tôi tên gọi dịch vụ sự nghiệp công về phòng chống mại dâm nên sửa thành “Dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa mại dâm”.
Thứ ba, khác với các đối tượng quản lý của ngành lao động, thương binh và xã hội như người có công, người cao tuổi, người khuyết tật..., người bán dâm không có hồ sơ quản lý chắc chắn, di biến động, che giấu nhân thân... và rất nhiều điểm đặc thù mà không thể áp dụng tiêu chí, phương pháp thống kê quản lý, cũng như xác định các dịch vụ sự nghiệp công như đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách khác./.
Thành Đức