Pháp luật về phòng chống mại dâm, trong đó trọng tâm quan trọng là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế đường lối của Đảng về quản lý lĩnh vực tệ nạn xã hội, phòng chống mại dâm, tạo hành lang pháp luật để công tác quản lý nhà nước về phòng chống mại dâm đạt được những kết quả cơ bản, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội từ 2003 đến nay.
Các giải pháp, kế hoạch thực hiện trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mại dâm của Ngành tư pháp từ Trung ương đến các địa phương, cơ sở đã đóng góp tích cực vào kết quả công tác phòng chống mại dâm 6 tháng đầu năm 2024. Bộ, ngành Tư pháp đã chủ trì, tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương và chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các Bộ, ngành, địa phương phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm nói chung, trong đó có pháp luật về phòng chống mại dâm ngay từ đầu năm 2024.
Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã ban hành Quyết định 51/QD-HDPB về Kế hoạch hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật năm 2024; hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến giáo dục, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật. Các địa phương đều đã ban hành kế hoạch giáo dục, phổ biến pháp luật năm 2024 và lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp triển khai các văn bản về phòng chống mại dâm đến cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình; quán triệt việc nghiên chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống mại dâm tại các buổi sinh hoạt chuyên môn, đoàn thể, chi bộ... để năng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng chống mại dâm. Sáu tháng đầu năm 2024, toàn ngành tư pháp không có công chức, viên chức vi phạm pháp luật về phòng chống mại dâm đến mức phải bị xử lý kỷ luật.
Đồng thời thông qua các hoạt động tập huấn nghiệp vụ phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật về phòng chống mại dâm, Bộ Tư pháp tổ chức các cuộc tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở Trung ương và địa phương về các văn bản có liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân nói chung, trong đó có căc văn bản pháp luật về phòng chống mại dâm.
Công tác góp ý, thẩm định văn bản, đề án, chương trình là một chức năng quản lý nhà nước quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã thực hiện góp ý thẩm định các văn bản, Chương trình, Đề án như: Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi); Dự thảo quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)..., đảm bảo nội dung liên quan đượ cấp có thẩm quyền thông qua đều phù hợp với quy định pháp luật phòng chống mại dâm.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến thi hành pháp luật về phòng chống mại dâm của Bộ, ngành Tư pháp cũng còn một số tổn tại hạn chế như sau:
Thứ nhất, do khối lượng nhiệm vụ, công việc thuộc chức năng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành Tư pháp từ Trung ương tới các địa phương cơ sở là rất lớn; phạm vi yêu cầu rộng được thực hiện tại toàn bộ các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, không chỉ ở riêng ngành lao động thương binh và xã hội và lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội.
Trong khi đó nguồn nhân lực ngành tư pháp còn hạn chế, dẫn tới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Số lượng công chức trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm của ngành Tư pháp thiếu so với khối lượng công việc được giao, chưa theo kịp với tính chất phức tạp của công tác phòng, chống mại dâm, hầu hết cán bộ phải kiêm nhiệm công việc. Sự hiểu biết và khả năng phân tích chính sách, dự báo tác động của mại dâm đối với đời sống kinh tế - xã hội và tham mưu xây dựng pháp luật chính sách còn hạn chế.
Hạn chế này là thực tế tồn tại nhiều năm nay trong hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của hầu hết các Bộ, ngành, địa phương và trong 6 tháng đầu năm 2024.
Thứ hai, kinh phí của các chương trình hoạt động phòng chống mại dâm năm 2024 còn hạn hẹp, không có hướng dẫn kinh phí riêng cho công tác phòng chống mại dâm, dẫn tới việc đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chưa chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống mại dâm, còn quá thấp so với yêu cầu của công việc.
Việc tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, tuyên truyền, khảo sát tuy rất cần thiết nhưng bị hạn chế, nhất là địa phương, cơ sở; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm của ngành Tư pháp chủ yếu phải lồng ghép vào việc thực hiện các đề án, chương trình khác về phổ biến, giáo dục pháp luật nên hiệu quả chưa rõ nét.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm chưa có sự gắn kết. Hoạt động của Tổ công tác liên ngành phòng chống mại dâm các cấp tuy đã bước đầu được củng cố, kiện toàn nhưng chưa được thường xuyên, hoạt động chưa chặt chẽ, vai trò cơ quan thường trực còn mờ nhạt, nên chưa đảm bảo cập nhật đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách pháp luật, thực tế tình hình và hỗ trợ nghiệp vụ có liên quan đến phòng chống mại dâm đối với công chức, viên chức và các tổ chức cá nhân có liên quan tại địa phương, cơ sở.
Chất lượng của công tác phổ biến, tập huấn giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm chưa thực đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nội dung, cách thức phổ biến, tập huấn chưa phong phú, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau; lực lượng cán bộ có kinh nghiệm phổ biến, hướng dẫn pháp luật về phòng chống mại dâm còn mỏng.
Trong những tháng cuối năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp đã xác định tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm theo chức năng liên quan được giao trong công tác phòng chống mại dâm như sau:
Một là, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành tiếp tục tham gia tích cực vào công tác góp ý, thẩm định, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến công tác phòng chống mại dâm ở tất cả các cấp.
Trong quá trình đó, cần lưu ý sự thay đổi về nhận thức và phương pháp tiếp cận dựa trên quyền của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 được luật hóa trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính đồng bộ và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực phòng chống mại dâm như phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy, AIDS và mại dâm, quản lý khám chữa bệnh, quy định xuất nhập cảnh ...
Các dự luật mới nếu có nội dung liên quan đến phòng chống mại dâm phải đảm bảo góp phần xây dựng khung pháp lý thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm, coi trọng định hướng phòng ngừa và giảm tác hại trong phòng ngừa mại dâm. Đồng thời, xây dựng hệ thống dịch vụ sự nghiệp công phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.
Hai là, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng; chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đối thoại, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống mại dâm với cán bộ công chức và nhân dân; Biên soạn phát hành tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm với những chủ trương, quy định mới được cập nhật.
Ba là, bố trí nguồn kinh phí hợp lý, có chế độ đãi ngộ thù lao phù hợp cho đội ngũa báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền pháp luật, thu hút người am hiểu pháp luật, công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mại dâm. Đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để mại dâm.
Bốn là, đảm bảo yêu cầu kết hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống mại dâm, đồng thời thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong công tác phòng chống mại dâm năm 2024. Tiếp tục yêu cầu tổ chức pháp chế các địa phương, Bộ, ngành đưa nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống mại dâm vào kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm của cấp có thẩm quyền để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Năm là, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa cơ quan Tư pháp, pháp chế các cấp với Cơ quan thường trực và các cơ quan thành viên trong các tổ chức phối hợp liên ngành phòng chống mại dâm như Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy, AIDS và mại dâm; Tổ công tác liên ngành 178 tại các địa phương...
Thành Đức