Dự Lễ phát động có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong; Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và đại diện các bộ, ban ngành trung ương, địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ phát động
Phát biểu chỉ đạo buổi Lễ, đồng chí Trần Lưu Quang đánh giá cao Bộ Công an, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người, góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.
Mua bán người được Liên Hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Rất nhiều nạn nhân là trẻ em, phụ nữ, người chưa thành niên. Nhận thức rõ sự nguy hiểm của loại tội phạm này, Việt Nam xác định cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, vào “cuộc chiến” phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm mua bán người. Chính phủ đã xây dựng và triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Những nỗ lực đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp; cách thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Trẻ em, người chưa thành niên tiếp tục là mục tiêu mà tội phạm nhắm tới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác phòng chống, mua bán người ở Việt Nam còn nhiều thách thức và nhiều việc phải làm, nhất là về hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, v.v...
Bám sát chủ đề của "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2024 là "Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là, cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và kiên trì thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn. Phòng, chống mua bán người cần được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Cần giải quyết tốt những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân. Phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện và tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường thời lượng, tần suất, đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người.
Ba là, kịp thời phát hiện nguy cơ từ sớm, từ xa, từ cơ sở; thực hiện quyết liệt các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng mua bán người. Tăng cường quản lý, chủ động giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm để trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Bốn là, tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và về chế độ, chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc dân tộc ít người, trẻ em mồ côi; triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm”.
Năm là, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế, nhất là về trao đổi thông tin, xác minh, điều tra các vụ án, truy bắt tội phạm, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người nói chung và mua bán trẻ em nói riêng.
Thùy Dương