Hải Phòng: Đa dạng tuyên truyền, chủ động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 31/07/2024
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng tổ chức 31 buổi tuyên truyền phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đối với hơn 5 nghìn lượt người dân trên địa bàn thành phố. Hình thức tuyên truyền phòng, chống mua bán người đa dạng, phong phú, hướng tới người trẻ, người có nhu cầu di cư, nhằm nâng cao chất lượng công tác tư vấn, trợ giúp giảm thiểu nạn nhân bị mua, bán người trong cộng đồng.

 

Thanh, thiếu niên được tiếp cận thông tin

Tham dự chương trình truyền thông về phòng, chống mua, bán người của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, em Nguyễn Việt Hùng, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngô Quyền) cho biết: "Nghe những thủ đoạn tiếp cận, trao đổi thông tin trên mạng xã hội của tội phạm mua, bán người, em thấy bàng hoàng vì đó là cách thức tinh vi mà em hoặc các bạn có thể rơi vào “bẫy lừa” bất cứ khi nào. Nêu cao tinh thần cảnh giác là bài học quý em nhận được sau khi tham gia chương trình truyền thông này".

Để lan tỏa những kiến thức về phòng, chống mua, bán người, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Lê Chân Nguyễn Thị Thu Phương, không chỉ hội viên hội phụ nữ, Hội chủ động mở rộng phạm vi liên lạc, mời tham gia chương trình là học sinh, thanh thiếu niên, trẻ em gái đang trong thời gian nghỉ học, không đến trường cùng tham gia đặt câu hỏi về tình huống gần gũi, thiết thực nhu cầu của người dân: kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, tìm hiểu thông tin du học nước ngoài. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm, hành vi mua, bán người.

Tại một số địa phương như: quận Đồ Sơn, huyện Thủy Nguyên, huyện Kiến Thụy… có đông người kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động nên công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, đẩy mạnh… Trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Xiệu thông tin, Phòng tăng cường phối hợp các phòng, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn kịp thời phổ biến các chính sách, pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người trên hệ thống truyền thanh của các xã, thị trấn, Cổng thông tin điện tử huyện và tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn, kịp thời phổ biến các chính sách, pháp luật tới cộng đồng dân cư; lồng ghép các nội dung về phòng, chống mua bán người với thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, nêu cao tinh thần phát hiện, phòng ngừa thủ đoạn hoạt động của tội phạm, huy động nhân dân đấu tranh về phòng, chống tội phạm MBN.

 Sẵn sàng các điều kiện hỗ trợ

Tính riêng từ 15/12/2023 đến ngày 6/6/2024, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hải Phòng phát hiện 2 vụ, 2 người là nạn nhân bị mua bán. Trong đó, 1 nạn nhân tỉnh Lào Cai và 1 nạn nhân người Hải Phòng. Giám đốc Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân Phạm Thị Thu Hiền thông tin, Trường bố trí cán bộ, cơ sở vật chất để kịp thời hỗ trợ đối với 1 nạn nhân có địa chỉ cư trú tại tỉnh Lào Cai trở về địa phương an toàn. Sau khi bàn giao nạn nhân trở về địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, thủ tục pháp lý... để nạn nhân của các vụ mua, bán người có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng nhanh chóng, kịp thời.

Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Thanh Tùng cho rằng, tranh thủ sự hỗ trợ của các Tổ chức phi Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, xã hội, Sở LĐ-TBXH phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thực hiện các hoạt động của Dự án “Tăng cường kỹ năng và cơ hội việc làm cho nhóm lao động có nguy cơ bị mua bán cao, nhất là lao động trẻ có mong muốn di cư” như: tổ chức hội thảo giới thiệu Dự án; tăng cường phối hợp với các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 15 lớp tập huấn về “Kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, tư vấn việc làm” cho hơn 600 học sinh, sinh viên giúp các em nâng cao các kỹ năng, phòng ngừa mua bán người, không bị dẫn dắt, dụ dỗ bởi “việc nhẹ, lương cao”.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo 799 thành phố, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đổi mới công tác giáo dục truyền thông về tội phạm mua bán người với những nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động, phụ nữ lấy chồng nước ngoài, các trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt... không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình tại các địa bàn trọng điểm, qua đó phát hiện các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội; các đầu mối, đường dây mua bán người để đấu tranh bóc gỡ; làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng bằng những việc làm cụ thể: công tác dạy nghề, tạo việc làm..., phòng, chống tội phạm mua bán người từ sớm, từ xa và phù hợp với tình hình mới.

NC ( theo HPĐT)