Cạm bẫy và địa ngục nơi xứ người
Qua lời mời chào trên Facebook, anh Kiều Việt H. ở xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã bỏ công việc có mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng để đi làm bốc vác tại khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh với mức lương 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau đó anh phát hiện bị lừa sang Campuchia làm việc phạm pháp, lôi kéo, lừa đảo qua mạng xã hội. Khi không hoàn thành công việc thì bị đánh đập, bỏ đói. Trốn thoát về Việt Nam, H vẫn chưa hết hoảng sợ với chuỗi ngày sống như địa ngục nơi xứ người.
Anh H. nhớ lại sự việc với ánh mắt hoảng loạn, giọng nói run run: “Ngày 1.12.2023, tôi được đưa đến khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Sau đó, có 2 chiếc xe máy do 2 người đàn ông chở qua biên giới Việt Nam - Campuchia bằng đường mòn, không làm thủ tục xuất cảnh.
Sang đến Campuchia thì được đưa đến chỗ chiếc xe ôtô đang chờ sẵn và có 4 người trong xe. Khi xe đóng cửa, những người này lao vào đánh đập, đe dọa rồi đưa tôi đến công ty tại Campuchia.
Công việc hàng ngày là tạo Facebook ảo để lừa tiền, làm được khoảng 3 tháng nhưng tôi chưa nhận được tiền lương. Vì chưa lừa được người nào nên tôi bị công ty đưa vào phòng tối đánh đập, tổng cộng 11 lần. Biết là nhập cảnh trái phép, vi phạm pháp luật, nhưng chúng tôi cũng rất may mắn khi được quay về quê hương, thoát khỏi địa ngục nơi xứ người”.
Không may mắn được như anh H., chồng chị Giàng Thị S. là anh Cứ A .S. (ở Bản Háng Bla Ha A, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) xuất cảnh trái phép đi làm thuê tại khu vực biên giới Việt - Trung.
Khoảng 10 ngày sau, chị S. nhận được có thông tin chồng mình đang bị các đối tượng giam giữ sau đó tử vong không rõ nguyên nhân. Do xuất cảnh trái phép nên gia đình phải mất 6 tháng làm các thủ tục mới nhận được thi thể về an táng...
Nhiều chiêu trò lừa đảo việc làm người dân cần cảnh giác
Theo thống kê, từ năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100 trường hợp xuất cảnh trái phép. Công dân địa phương xuất cảnh trái phép chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 18 - 25 tuổi có nhu cầu tìm việc làm.
Có nhiều người dân tin theo những lời quảng cáo trên các mạng xã hội đã tìm mọi cách để xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm thuê với mong muốn tìm được công việc có thu nhập ổn định.
Các đối tượng lừa đảo hứa hẹn việc nhẹ lương cao, làm việc tại nước ngoài mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, chỉ cần biết sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử, sẵn sàng hỗ trợ chi phí xuất cảnh...
Những người này sau đó được đưa đến làm việc tại các sòng bài, casino, công ty lừa đảo trực tuyến và bị ép chỉ tiêu doanh số cao, khi không đạt thì bị đánh đập, bỏ đói… yêu cầu nộp tiền chuộc thì mới cho về nước với số tiền có thể lên đến 250 triệu đồng.
Những người trở về cho biết, họ nhiều lần bị chủ đánh đập, bỏ đói, giam giữ, có những trường hợp còn phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.
“Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu với lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái ban hành và triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị tổ chức rà soát, nắm tình hình; đồng thời, trao đổi thông tin liên quan đến các đơn vị nghiệp vụ công an cấp huyện để làm rõ hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trái phép của công dân tại địa phương.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hạn chế các rủi ro của người dân vùng cao khi tham gia lao động ở nước ngoài” - Thượng tá Hoàng Kim Thanh - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Yên Bái chia sẻ./.
NC (theo GD&TĐ )