Quản lý chặt chẽ không phát sinh điểm nóng về tệ nạn mại dâm
Toàn tỉnh có 617 cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ; karaoke và dịch vụ massage là những cơ sở nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Đã xuất hiện những hình thức hoạt động mại dâm biến tướng như: gái gọi, du lịch tình dục, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, chuyển giới bán dâm, tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần; đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi; đa phần là phụ nữ.
Số người bán dâm trên địa bàn Sóc Trăng ước tính 522 người, số gái mại dâm các cơ quan chức năng triệt phá qua 08 vụ mại dâm bắt 37 đối tượng (thành phố Sóc Trăng 03 vụ, Long Phú 01 vụ, thị xã Ngã Năm 01 vụ; huyện Trần Đề 01 vụ, Huyện Mỹ Tú 02 vụ. (xử lý vi phạm hành chính 27 người).
Xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm công cộng tác động xấu thuần phong mỹ tục, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống mại dâm ngay từ đầu năm
Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội: Nguy cơ lây lan bệnh xã hội, HIV/AIDS; người bán dâm bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục; bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Tệ nạn mại dâm còn làm phát sinh các băng, nhóm tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, hình thành đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, Sóc Trăng đã tổ chức triển khai thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm theo chức năng nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống mại dâm.
Ngày 24/01/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch số 08/KH-SLĐTBXH về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2024 và kế hoạch tuyên truyền Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản có liên quan cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tổ chức 24 cuộc, với 1.400 lượt người tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và cộng đồng; in và cấp phát 30.000 tờ rơi và 15.000 banner tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm;
Sở Thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền được 275 lượt; 11 kỳ chuyên mục; 11 kỳ hỏi - đáp; 110 tin, bài, phản ánh, tài liệu thời lượng; cộng tác trên 16 tin, bài có nội dung liên quan trên báo, đài tỉnh.
Báo Sóc Trăng đã đăng trên 80 lượt tin + ảnh, bài + ảnh tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm;
Đài Phát thanh và Truyền hình tuyên truyền điều tra, thu thập thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng người di cư trái phép để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài và tuyên truyền việc khởi tố điều tra xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người, trong đó có mua bán người vì mục đích mại dâm.
Sở Tư pháp đã tổ chức 33 hội nghị tập huấn bồi dưỡng và phổ biến kiến thức pháp luật với 4.281 đại biểu, kết hợp lồng ghép tuyên truyền về chính sách, pháp luật về phòng chống mại dâm.
Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra, khảo sát, rà soát đánh giá, dự báo về nhu cầu của người bán dâm về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội tại địa phương để hướng các mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này. Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo cung cấp cho họ các cơ hội công việc phù hợp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; điều tra, truy tố, xét xử các đường dây, ổ, nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm được chú trọng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội duy trì Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm, tiến hành kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm 40 cuộc với 160 lượt cơ sở được kiểm tra.
Công an tỉnh triển khai biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, phát hiện 131/616 cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm; đấu tranh 63 đối tượng nghi vấn có liên quan đến mại dâm (chủ chứa 15; môi giới 18; nữ nghi vấn hoạt động mại dâm 30), tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm 40 cuộc với 240 lượt cơ sở, trong 06 tháng đầu năm 2024 đã triệt phá 01 vụ mại dâm, bắt 04 đối tượng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Đội 814) tổ chức 19 cuộc kiểm tra 30 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ thể dục thể thao, du lịch, quảng cáo, lễ hội, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định pháp luật 09 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 trường hợp.
Triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Mô hình hỗ trợ bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại Phường 4 (Thành phố Sóc Trăng) gồm 20 thành viên tham gia, Phường 7 (Thành phố Sóc Trăng) gồm 20 thành viên tham gia và thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách gồm 20 thành viên tham gia. Tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm nơi thí điểm mô hình là 06 cuộc với 240 lượt người dự. Sinh hoạt nhóm người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm là 18 cuộc với 360 lượt người dự.
Sở Y tế quản lý hoạt động can thiệp nhóm đối tượng phụ nữ bán dâm là 22 đồng đẳng viên; tiếp cận 522 phụ nữ bán dâm; cấp phát 93.960 bao cao su; tư vấn sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV 217 trường hợp, trong đó có 157 trường hợp được xét nghiệm HIV.
Công an tỉnh phối hợp tổ chức 06 buổi họp giao ban giữa Công an, Quân sự, Biên phòng trao đổi về tình hình an ninh trật tự; tuần tra kiểm soát 180 cuộc, có 720 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống mại dâm 06 tháng đầu năm 2024 ở Sóc Trăng vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế :
Số lượng người bán dâm có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh không nhiều và không tập trung, nên rất khó khăn cho công tác quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ người bán dâm.
Việc cập nhật, bổ sung, quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn chưa được thường xuyên, đầy đủ, do số đăng ký kinh doanh mới hoặc cơ sở đăng ký đổi tên ngành nghề kinh doanh.
Công tác tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội gặp nhiều khó khăn, do đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở còn hạn chế trong công tác tuyên truyền, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Do công nghệ thông tin phát triển, người tham gia mạng xã hội ngày càng tăng, nhưng kiến thức kỹ năng trong việc sử dụng, khai thác thông tin trên mạng xã hội còn hạn chế, dẫn đến dễ bị dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tình hình mua bán dâm đang diễn biến phức tạp
Tiếp tục các giải pháp phù hợp, khả thi để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống mại dâm 6 tháng cuối năm 2024
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức về phòng chống mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm .
(1) Tăng cường quản lý giúp đỡ người bán dâm tiếp cận tư vấn, hỗ trợ và các dịch vụ xã hội.
(2) Tăng cường hoạt động Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm (Đội 814; 178), kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức;
(3) Tiếp tục truyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại dâm cho các chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, hỗ trợ duy trì và xây dựng mới các xã, phường, thị trấn lành mạnh không phát sinh tệ nạn mại dâm; trao đổi thông tin liên quan phương thức, thủ đoạn hoạt động mại dâm mới và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; phối hợp quản lý địa bàn, đối tượng triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm phức tạp. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Thành Đức