Luật phòng, chống nô lệ thời hiện đại của Vương quốc Anh và hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam – Vương quốc Anh Ngày đăng: 30/03/2017
Chế độ nô lệ là chế độ tàn nhẫn nhất trong lịch sử loài người khi nô lệ thuộc quyền sở hữu và điều khiển của chủ nô và không có quyền hạn gì, không có tự do đi lại, không được tôn trọng, không có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Nô lệ là người bị bắt buộc phải làm việc không lương cho người chủ, bị mất quyền con người, tự do và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ. Nhiều người trở thành nô lệ vì bị bắt sau những cuộc chiến (một hình thức tù binh). Một số khi sinh ra đã trở thành nô lệ vì cha mẹ là nô lệ thuộc sở hữu của các chủ nô.

Trong lịch sử, chế độ nô lệ là một hình thái ý thức xã hội đã tồn tại một thời gian dài trong lịch sử. Với sự tiến hóa của lịch sử, chế độ nô lệ đã bị chấm dứt cùng với sự giải phóng những người nô lệ khỏi sự phụ thuộc vào chủ nô. Trong thời gian gần đây, các hình thái của nô lệ hiện đại như bóc lột lao động, bóc lột tình dục, bóc lột trẻ em, lao động cưỡng bức (không được trả lương), buôn bán nội tạng diễn biến phức tạp.

Nô lệ thời hiện đại lại tồn tại là do liên quan đến tiền bạc, do khoản lợi nhuận phi pháp khổng lồ mà bọn tội phạm có thể kiếm được từ nạn nhân của mình. Nhiều nạn nhân mặc dù có thể là người được giáo dục tốt nhưng lại ko hiểu về nạn mua bán người hoặc dễ bị lừa bán, nhiều người có giấc mơ có thể đổi đời ở các nước giàu. Số liệu thống kê về nô lệ hiện đại, hơn 45 triệu người trên toàn thế giới đang làm nô lệ thời hiện đại, mang đến lợi nhuận cho kẻ buôn bán người là 150 tỷ đô la Mỹ hàng năm,tính riêng ở Vương quốc Anh có từ 10.000-13.000 nạn nhân, con số này có thể cao hơn trên thực tế.

Theo số liệu do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cung cấp, thống kê năm 2014 Vương quốc Anh xác định được 2.340 người, năm 2015 là 3.266 người và 9 tháng đầu năm 2016 là 2.798 người được cho là nạn nhân của mua bán người, tệ nạn này ngày càng phát triển và gay cấn hơn, Vương quốc Anh ngày càng là điểm đến của nạn mua bán người (dự kiến tăng khoảng 30% theo từng năm).

Năm 2015, Vương quốc Anh thông qua Bộ Luật phòng, chống nô lệ thời hiện đại (Modern Slavery Act 2015).  Bao gồm 5 nội dung: Bảo vệ nạn nhân; tấn công đường dây tội phạm (lực lượng cảnh sát có quyền kiểm tra, kiểm sát các con tàu, các phương tiện đi lại xem có nạn nhân bị mua bán người ko); tăng thêm quyền lực cho tòa án của Anh (xử phạt đến mức tù chung thân cho tội phạm liên quan đến mua bán người), tạo tính minh bạch cho các chuỗi cung cấp (tước bỏ các đồng tiền phi pháp của doanh nghiệp, bắt buộc các doanh nghiệp có doanh thu trên 36 triệu bảng Anh phải có báo cáo công bố việc sử dụng lao động cụ thể, xem có tình trạng cưỡng bức lao động không, có cam kết và khẳng định không sử dụng lao động cưỡng bức, không cho tình trạng lao động cưỡng bức xảy ra trong doanh nghiệp mình hay không); Bộ Luật cũng quy định về chức danh Cao ủy độc lập về phòng, chống nô lệ hiện đại của vương quốc Anh để phụ trách công tác này.

Nô lệ thời hiện đại (ở Anh): đó là hiện tượng khi một người sở hữu hoặc điều khiển người khác làm cho người đó mất tự do cá nhân, với mục đích bóc lột người đó thông qua việc sử dụng, kiếm lợi nhuận, chuyển giao hoặc vứt bỏ hoặc lấy đi bộ phận cơ thể (nội tạng)…

Điểm đáng lưu ý của Bộ Luật này là bác bỏ chuyện mặc dù nạn nhân đã đồng ý từ trước, chấp nhận hoàn cảnh lao động hoặc cung cấp dịch vụ bị cho là bóc lột, khai thác nô lệ: "Sự đồng ý của cá nhân, dù là thanh niên hay trẻ em, cho bất cứ hành vi nào được xếp vào dạng cầm giữ làm nô lệ, khai thác khổ sai, hoặc bắt người đó thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc, đều không xóa bỏ được xác định rằng chính người đó đang bị cầm giữ như nô lệ hoặc bị buộc phải thực hiện lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc. Ở đây yếu tố “lao động bắt buộc” cũng đủ để cấu thành tội phạm về nô lệ hiện đại, chứ không cần phải đánh đập, hành hạ, bỏ đói... như kiểu nô lệ thời cổ xưa. Sự đồng ý của nạn nhân cho chuyến đi không có ý nghĩa miễn trừ cho người gây án và các hoạt động liên quan như: trợ giúp, vận chuyển, cho quá cảnh, cất giấu … đều bị coi là phạm pháp.

Bộ Luật phòng, chống nô lệ thời hiện đại năm 2015 của Vương quốc Anh còn nêu ra một loạt hành vi như: khai thác tình dục, cưỡng bức lao động vị thành niên, lừa đảo, đe dọa, tịch thu tài sản cá nhân của nạn nhân...và đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ người vị thành niên và trẻ em. Luật cũng cho phép các cơ quan công quyền Anh, từ Cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ đến Cảnh sát, Biên phòng và toà án các thẩm quyền rõ rệt nhằm diệt trừ nạn buôn người và khai thác lao động dạng nô lệ hiện đại.

Bà Theresa May - Thủ tướng Anh – người đã tham gia xây dựng và góp phần vào quá trình bàn hành Bộ Luật này đã cam kết ngay sau khi lên nắm quyền điều hành Chính phủ (tháng 6/2016) rằng Anh Quốc sẽ chấm dứt "vấn đề nghiêm trọng về quyền con người trong thời đại chúng ta", khi nói đến nạn nô lệ hiện đại.

Do đó, Chính phủ Anh cũng đã ban hành Chiến lược phòng, chống nô lệ thời hiện đại của Vương quốc Anh (Chiến lược 4P: Prepare, Prevention, Pursue, Protection): Chuẩn bị (dự đoán điều gì sẽ xảy ra, tệ mua bán người xảy ra theo cơ chế nào, nạn nhân được chuyên chở như thế nào, tội phạm tìm kiếm nạn nhân như thế nào); phòng chống (hợp tác với các cơ quan tổ chức các chiến dịch truyền thông ở làng quê, truyền thông về phòng chống  di cư bất hợp pháp và phòng, chống buôn bán người); theo đuổi (truy tố, khởi tố những kẻ buôn bán người bằng luật hình sự); bảo vệ (bảo vệ nạn nhân của mua bán người và nô lệ thời hiện đại).

Trong những năm qua, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam – Anh đã hợp tác điều tra, khám phá được một số đường dây hoạt động mua bán người, đưa người di cư trái phép, xâm hại tình dục trẻ em. Chính phủ và cơ quan chức năng hai nước đã ký kết nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (2009), Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (2006), Bản ghi nhớ hợp tác về các vấn đề di cư (2004), Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Vương quốc Anh về trao đổi thông tin phục vụ các mục đích liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh (2013).

Ngoài ra, thông qua các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Chính phủ Anh hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai một số dự án về phòng, chống mua bán người và phòng, chống lạm dụng tình dục trẻ em tại Việt Nam, trong đó năm 2014, phối hợp UNIAP tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống mua bán người và chính sách pháp luật của Vương quốc Anh cho các nước Tiểu vùng sông Mê-Công và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Năm 2015, phối hợp Ban Thư ký Tiểu vùng sông Mê-Công và các địa phương miền Trung Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống mua bán người và triển khai dự án truyền thông thay đổi hành vi cho người lao động di cư ra nước ngoài an toàn.

Kết quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế trong đó có hợp tác với Chính phủ Anh đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Chương trình quốc gia về phòng ngừa, ngăn chặn tình hình hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam./.

Phạm Ngọc Dũng