Người nghiện ma túy- người bệnh và ứng xử với các vấn đề liên quan đến người nghiện Ngày đăng: 29/03/2017
Hiện nay, đã thống nhất nghiện ma túy là một bệnh của não bộ và chúng ta đang tập trung thực hiện các biện pháp về y tế, tâm lý và xã hội để điều trị, cai nghiện cho họ. Tuy nhiên, cách ứng xử với nhiều vấn đề liên quan đến hành vi của người nghiện cần làm rõ để quản lý người nghiện tốt hơn.

Vì sao nói nghiện là một bệnh não bộ

Não bộ không chỉ có một chất dẫn truyền thần kinh là dopamine, mà còn có nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác có liên quan đến quá trình hình thành sự lệ thuộc vào chất gây nghiện. Trong cơ thể chúng ta vẫn luôn sẵn có một loại chất dạng thuốc phiện do chính cơ thể sinh ra, morphin nội sinh/endorphin, để phục vụ cho nhu cầu giảm đau của cơ thể, không có sự dư thừa, không có hiệu ứng phụ. Chính nhờ có endorphin này mà cơ thể của chúng ta bớt phải chịu nhiều sự đau đớn. Ngược lại, nếu không có endorphin, ngưỡng đau chúng ta sẽ rất thấp, nên ta sẽ thấy đau nhiều hơn, đau lâu hơn. Song, khi đưa chất gây nghiện dạng thuốc phiện, hay cụ thể là heroin vào cơ thể, gắn vào thụ cảm thể (receptor) tương ứng, gây tăng giải phóng endorphin nhiều lần, tạo cảm giác phê sướng, cũng như giảm đau, hết mệt mỏi một cách nhân tạo.

 Nếu sử dụng ma túy lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến thay đổi một số chất sinh học đóng vai trò điều hoà các quá trình của cơ thể, buộc cơ thể phải tự điều chỉnh để quen dần với sự có mặt của chất dạng thuốc phiện ngoại sinh, một trong các sự điều tiết đó làm giảm tiết ra morphin nội sinh và cuối cùng là hoàn toàn không tiết ra các morphin nội sinh nữa. Lúc đó người sử dụng chất dạng thuốc phiện không còn morphin nội sinh nên phụ thuộc hoàn toàn vào chất dạng thuốc phiện đưa vào từ bên ngoài, nếu không sự điều hoà hoạt động sinh lý của cơ thể (vốn do endorphin đảm nhiệm) sẽ bị hụt hẫng, rối loạn, dẫn đến những cơn vật vã dữ dội đến mức người sử dụng phải đưa chất dạng thuốc phiện vào cơ thể. Lúc này, não bộ càng ngày càng bị tổn thương nhiều hơn.

Nghiện ma túy liên quan đến nhiều vấn đề xã hội

Nói người nghiện là người bệnh là nói về tình trạng bệnh lý của họ chứ không phải nói về toàn bộ vấn đề nghiện ma túy cũng như các hành vi của họ. Cần phải phân biệt rạch ròi các khái niệm này.

- Tụ tập, đua đòi, rủ rê sử dụng ma túy dẫn đến nhiều người nghiện mặc dù đã được xã hội cảnh báo sự nguy hiểm của ma túy là hành vi có chủ ý, vi phạm pháp luật, là tệ nạn xã hội.

- Hành vi mang tính tệ nạn xã hội của người nghiện có thể kể ra rất nhiều: cờ bạc, mua dâm, nói dối, đánh mắng chửi bố mẹ, vợ con, tiêm nhiễm thói hư, tật xấu cho những người gần gũi… Các hành vi này do rối loạn hành vi, nhân cách, ngược với các chuẩn mực xã hội, nó mang đậm tính chất tệ nạn xã hội.

- Đe dọa tính mạng, gây thương tích, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản nhà nước, phá rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, buôn bán ma túy, tiếp tay, bảo kê cho mại dâm, chủ ý làm lây truyền HIV cho người khác… là hành vi vi phạn phạm pháp luật hình sự.

Do vậy, cần khẳng định lại rằng, nói người nghiện là người bệnh, không phải là tệ nạn xã hội là nói riêng về tình trạng bệnh lý nghiện chứ không phải nói chung vấn đề của người nghiện ma túy, nói các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội và hình sự. Một số ý kiến cho rằng nghiện ma túy là bệnh mãn tính giống như cao huyết áp, tiểu đường, hen phế quản… thì cũng chỉ đúng thuần túy về mặt y học chứ không bao quát được tính xã hội đặc biệt, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội của nghiện ma túy. Và không phải chỉ bỏ từ “tệ nạn xã hội”, “tệ nạn nghiện ma túy”  là giảm được kỳ thị của xã hội với người nghiện ma túy. Muốn giảm được kỳ thị  thì trước hết cần làm rõ đâu là bệnh lý, đâu là các vấn đề xã hội. Nếu bỏ từ “tệ nạn xã hội” với vấn đề nghiện ma túy là né tránh, không gọi đúng bản chất của sự việc để có các biện pháp xử lý chính xác, không huy động quảng đại quần chúng cùng vào cuộc cho cuộc chiến cam go phòng chống ma túy, là vô tình cổ súy cho các hành vi có chủ đích gây nguy hại cho xã hội.

Vừa qua, học viên ở 1 số cơ sở cai nghiện đã nhầm lẫn cho rằng mình là người bệnh nên có quyền đập phá tài sản công, thách thức và chống lại người thi hành công vụ. Cũng vì hiểu còn chưa đúng, lo ảnh hưởng đến quyền con người nên nhiều cán bộ cũng lưỡng lự trong việc trấn áp các hành vi phá rối của học viên. Mỗi vấn đề của người nghiện cần có biện pháp xử lý phù hợp.

Cai nghiện và các ứng xử khác

Muốn cai nghiện có chất lượng trước hết phải thực hiện tốt các giải pháp về y tế, tâm lý, xã hội. Đây là quá trình vận hành công phu, cần đầu tư cả nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất tương xứng. Cần những cán bộ cai nghiện có đạo đức, tâm huyết, có trình độ, năng lực. Cai nghiện phải tiến tới đạt được các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Cần sự kết nối chặt chẽ giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

Cai nghiện ở đâu rồi người nghiện cũng trở về cộng đồng. Người cai nghiện dù thực sự muốn bỏ ma túy không thể hòa nhập nếu sống trong môi trường kỳ thị của xã hội. Những ám ảnh về quá khứ của người nghiện, những ánh mắt thiếu thiện cảm, nghi ngờ, đề phòng cảnh giác, những sự giúp đỡ hời hợt, hình thức của gia đình, chính quyền, đoàn thể… đã khiến họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng, mang đầy mặc cảm tội lỗi và từng bước đẩy họ trở lại với ma túy.

Chia sẻ tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình cai nghiện thành công do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức vào trung tuần tháng 3/2017, nhiều người cai nghiện, bỏ được ma túy 5-10 năm trở thành doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, công an viên cấp xã, Tổ trưởng tổ dân phố… đã thổ lộ họ quyết tâm cai được ma túy là do cộng đồng nơi ấy không kỳ thị, đã chung tay giúp đỡ ngay từ ngày trở về: gần gũi động viên thăm hỏi, kèm cặp, bố trí, chỉ bảo công ăn việc, cho vay vốn, tư vấn tháo gỡ các mâu thuẫn gia đình, thành lập câu lạc bộ, đội văn nghệ, đội bóng đá cho họ tham gia… Giảm kỳ thị với người nghiện phải từ nhận thức, tình yêu thương đến các hành động hỗ trợ giúp đỡ thiết thực.

Nhưng mặt khác, lòng vị tha và nhân đạo của xã hội phải kết hợp với việc quản lý, xử lý theo đúng pháp luật áp dụng cho mọi công dân. Cộng đồng có thể nhắc nhở, bỏ qua cho một vài lần ăn cắp vặt, không ảnh hưởng nhiểu đến xã hội. Nhưng những hành vi vi phạm pháp luật tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và tệ nạn xã hội nghiêm trọng của họ (như đã đề cập ở trên) phải xử lý kịp thời, nghiêm khắc bằng pháp luật hành chính và hình sự. Không thể có vùng cấm, vùng ưu tiên nào mang danh “người bệnh” mà không bị xử lý. Những người đã vận động cai nghiện tự nguyện nhiều lần nhưng vẫn không hợp tác, những người đã điều trị, cai nghiện nhiều lần mà vẫn có nhiều hành vi ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội thì cần bắt buộc cai nghiện giúp họ có cơ hội chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Thật lạ, nếu ai đó lại cho như vậy là vi phạm quyền con người./.

Lê Hiền