Kết nối tốt để giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 28/03/2017
Kết nối chuyển gửi thực chất là một hoạt động, một kỹ năng trong công tác xã hội với nội dung chính là xác định các dịch vụ và giới thiệu người cần được giúp đỡ tới các nơi, cơ sở, cung cấp các dịch vụ đó để đáp ứng các nhu cầu, giải quyết vấn đề của họ. Trong công tác cai nghiện, kết nối không chỉ có như vậy, nó được mở rộng trên nhiều khía cạnh. Một cơ sở cai nghiện tốt không thể kém về kết nối. Trong hệ thống cơ sở cai nghiện của nước ta, nhiều cơ sở đã làm tốt hoạt động kết nối.

Kết nối cơ sở cai nghiện với gia đình và thân nhân người cai nghiện

Thân nhân người cai nghiện luôn thiếu tin tưởng, lo sợ con em bị ngược đãi, bị lây nhiễm bệnh tật xã hội, bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu khi phải sống trong môi trường tập trung. Nhưng nhiều cơ sở cai nghiện đã làm họ mất đi nỗi sợ ấy qua việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với thân nhân người cai nghiện, đưa họ như một lực lượng cán bộ thứ hai đứng bên cạnh cán bộ của cơ sở với nhiều hoạt động như: tổ chức tốt việc thăm thân, đưa đi thăm cơ sở, tận mắt chứng kiến nơi ăn ở, sinh hoạt của học viên, tổ chức các cuộc giao lưu, tổ chức “hội chợ” mời thân nhân tham gia với các sản phẩm do chính học viên làm ra, tổ chức gói bánh chưng và cùng dự bữa tất niên cuối năm... Học viên phấn khởi vì có bố mẹ, anh em động viên, khuyến khích “đồng hành” trong cả thời gian cai nghiện.

Mặt khác cơ sở có thêm thông tin về đặc điểm cá nhân học viên để xây dựng chương trình cai nghiện phù hợp, bàn bạc với gia đình các phương án khi học viên về cộng đồng.

Kết nối hợp tác, liên doanh với cơ sở sản xuất kinh doanh

Kết nối này có hai cái lợi: Một mặt, tạo cho học viên có việc làm, thu nhập, rèn luyện lao động. Mặt thứ hai là, thông qua doanh nghiệp thúc đẩy tìm việc làm khi học viên trở về cộng đồng.

“Lao động sáng tạo ra loài người” và không như một vài tổ chức không thiện ý dán nhãn lao động tại cơ sở cai nghiện là “lao động khổ sai”. Khi được hỏi, nhiều học viên đã trả lời: “Nhàn cư vi bất thiện”, cho chúng em đi làm chứ ngồi không một chỗ chán lắm, đầu óc lại nghĩ linh tinh, mệt mỏi. Những việc như khâu bóng, mỹ nghệ, tiểu thủ công, vẽ gốm sứ, làm vườn... không có gì quá sức, lại rèn được tính kiên trì, khéo tay. Khi ở nhà, chúng em làm bốc vác, khuân hàng... nặng nhọc gấp nhiều lần”. Cầm cuốn “Sổ tiết kiệm” dù chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng sau khi đã trừ tiền cải thiện bữa ăn, nhiều em tỏ ra phấn khởi vì thành quả lao động của chính mình. Để có được niềm vui ấy, cơ sở cai nghiện cần phải công khai, minh bạch, công bằng phân chia kết quả lao động.

Tại một số nơi, ngay sau khi hết thời hạn cai nghiện, nhiều số em đã được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tin tưởng nhận vào làm việc.

Kết nối với chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội tại địa phương

Trong khi khá phổ biến là chính quyền địa phương muốn đưa người vào cơ sở cai nghiện càng nhanh càng tốt để đảm bảo chỉ tiêu và “làm trong sạch địa bàn” thì nhiều nơi có sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên với cơ sở cai nghiện. Họ là những người có tâm gặp nhau. Chính quyền, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân không kỳ thị với người nghiện, đến thăm hỏi động viên gia đình, có khi cùng gia đình lên cơ sở thăm thân, bàn bạc với lãnh đạo cơ sở để chuẩn bị liên hệ cho vay vốn, tạo công ăn, việc làm, phân công cán bộ có uy tín giúp đỡ, giới thiệu vào sinh hoạt tại các câu lạc bộ… Kết nối giữa cơ sở cai nghiện và chính quyền địa phương tạo cho học viên tự tin hòa nhập cộng đồng.

Kết nối hỗ trợ sau cai nghiện bằng các câu lạc bộ

Đây là sự kết nối khá phổ biến và mang lại nhiều kết quả. Cơ sở Giáo dục-Lao động Xã hội TP Hải Phòng đã xây dựng Câu lạc bộ “Kết nối thành công” cho những người đã trở về cộng đồng chưa tái nghiện từ 1-2 năm. Đến nay, 40 hội viên không tái sử dụng ma túy từ 3 đến 10 năm, tất cả các đều có công việc làm ổn định tại các xưởng mộc, xưởng cơ khí, cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, trang trại... Ngoài ra, còn tích cực vận động người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện và tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm chia sẻ động viên các học viên đang chữa trị cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. 

Tại An Giang, “Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” với quy trình bắt đầu thực hiện từ Cơ sở cai nghiện và sau đó mới tập trung tại cộng đồng: Nâng cao năng lực cho người cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện (tư vấn cá nhân và nhóm; nâng cao, cải thiện dịch vụ y tế; nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi; kết nối cơ sở cai nghiện với gia đình và học viên); hỗ trợ người sau cai hòa nhập cộng đồng (tổ chức tiếp cận và tiếp nhận người hồi gia từ cơ sở cai nghiện trở về; tiếp cận tư vấn; cải thiện sinh kế, tư vấn và kết nối việc làm cho người hồi gia); chú trọng các hoạt động điều phối/ Huy động sự tham gia ủng hộ của người dân, người hảo tâm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc hỗ trợ vốn, tạo việc làm. Tính đến tháng 12/2015, toàn tỉnh có 148 người sau cai chưa tái nghiện, trong đó có 112 người đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ.

Còn nhiều hình thức kết nối khác và đều có tác dụng, không chỉ cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện mà ngay cả cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Suy cho cùng, kết nối là một cách cụ thể hóa sự huy động cả cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ người nghiện. Ở nơi nào chỉ đóng khung trong các hoạt động nội tại được phân công thì chắc chắn hiệu quả cai nghiện thấp.

Lê Đức Hiền