Phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm: Tập trung nguồn lực, chỉ đạo sát sao Ngày đăng: 13/05/2014
Sáng 13⁄5⁄2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm, đã nghe báo cáo của các thành viên Ủy ban về tình hình hoạt động 4 tháng đầu năm 2014.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, trên cả nước có 2.012 trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV được báo cáo; 928 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS; 300 người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Trong đó, tỷ lệ nam giới chiếm 67,6%, nữ giới chiếm 32,4%; số người nhiễm trong nhóm tuổi 20-39 tuổi là 74,9%.

So sánh với 3 tháng đầu năm 2013, số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV giảm 35% (1.105 trường hợp); số bệnh nhân AIDS giảm 47% (815 trường hợp); tử vong do AIDS giảm 53% (337 trường hợp).

Số bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV hiện là 82.687 người, chiếm 67,6% người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị, chiếm 32,5% ước tính người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận mức độ giảm của dịch HIV/AIDS chưa sâu, không ổn định; một số khu vực miền núi tình hình dịch HIV/AIDS khó kiểm soát, có xu hướng gia tăng. Còn ở một số thành phố lớn (như Hà Nội, TPHCM) xuất hiện nhiều hình thái nguy cơ lây nhiễm đan xen trong các nhóm nguy cơ cao, gia tăng tệ nạn bán dâm nam, sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhóm đối tượng khác nhau.

Trong khi đó, tình hình tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm tiếp tục có diễn biến phức tạp, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, triệt phá.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cho biết do tác động của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực nên ở nước ta, hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ mua bán, vận chuyển có xu hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, cai nghiện ma túy nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đến nay, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 181.396 người (tăng 5,4% so với năm 2012 song mới chỉ chiếm khoảng 30% số người nghiện tại cộng đồng). Hoạt động cai nghiện tập trung tại trung tâm còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nghiện cao. Hình thức cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hiệu quả nhưng chưa có cơ chế đầu tư phù hợp nên khó nhân rộng. 

Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban cùng chung nhận định tình hình phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm hiện đang rất khó khăn, nhất là kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng như nguồn tài trợ giảm mạnh, nguồn lực xã hội hóa còn thấp trong khi các chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS được giao ngày càng tăng cao. Cụ thể, vào năm 2015 số người điều trị ARV sẽ tăng lên đến 105.000 người (từ mức hơn 82.000 người hiện nay), điều trị Methadone tăng từ 16.000 lên 80.000 người.

Do thiếu kinh phí nên tỷ lệ người nghiện ma túy được xét nghiệm HIV trong năm 2013 chỉ đạt 23,6%, phụ nữ bán dâm 35,1%, quan hệ tình dục đồng giới nam là 28,8%.  Vì thế, trong dài hạn, nếu không đủ kinh phí, các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, cả dự phòng và điều trị sẽ bị thiếu hụt, có nguy cơ làm dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại với tỷ lệ kháng thuốc cao, khi đó, chi phí điều trị gấp nhiều lần hiện tại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải nhìn nhận nghiêm túc những hạn chế trong công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm đã được nêu trong báo cáo tổng kết năm 2013 để siết chặt lại.

Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn hẹp, tùy đặc thù của từng địa phương để tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các kế hoạch, chương trình đã đặt ra, không làm tràn lan. Đồng thời, bộ, ngành là thành viên Ủy ban phải tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tại các địa phương, xuống tới tận xã, phường, để nắm vững tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề cụ thể, theo từng chuyên đề.

Phó Thủ tướng lưu ý cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về tác hại của ma túy, mại dâm, không chỉ bằng những hình thức truyền thống như loa đài, áp phích mà thông qua cả những hình thức khác như mạng xã hội để mang tính chất răn đe mạnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cụ thể, tháo gỡ vướng mắc cơ chế tài chính theo hướng tăng cường xã hội hóa để đảm bảo đủ nguồn thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc Methadone, đảm bảo kinh phí cho các chương trình can thiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực của HIV/AIDS, ma túy, mại dâm..
.