Thành phố Đà Nẵng với mô hình cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy Ngày đăng: 28/03/2017
Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy, ngày 03⁄6⁄2015, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 4107⁄KH-UBND về việc phối hợp cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thí điểm 100 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy giao cho các hội, đoàn thể kèm cặp, giúp đỡ (Hội Cựu chiến binh: 40 em, Hội Phụ nữ: 30 em, Thành đoàn: 30 em).

Mấy năm gần đây, cùng với việc chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế, Đà Nẵng luôn chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội theo các mục tiêu: “thành phố 5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của); “thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) và “thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) …nhờ đó đã góp phần tạo ra cho Đà Nẵng một diện mạo mới. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đang đặt ra, trong đó, bức xúc nhất là vấn đề người nghiện ma túy đang gia tăng và gây nên nhiều hệ lụy.

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, thành phố hiện có 3.016 người nghiện; trong đó trên 80% là người nghiện các chất ma túy tổng hợp; phần lớn trong số này đã có tiền án, tiền sự và bị loạn thần nên hành vi rất nguy hiểm và không kiểm soát được. Trong khi đó, hệ thống pháp luật xử lý hành vi này còn nhiều bất cập; phác đồ điều trị chưa được xác định; cơ sở tiếp nhận điều trị chưa đáp ứng cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn lực.

Trước tình hình trên, thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy, ngày 03/6/2015, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 4107/KH-UBND về việc phối hợp cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thí điểm 100 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy giao cho các hội, đoàn thể kèm cặp, giúp đỡ (Hội Cựu chiến binh: 40 em, Hội Phụ nữ: 30 em, Thành đoàn: 30 em).

Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, các cấp hội, đoàn thể đã tổ chức gặp mặt các em để trao đổi mục đích, xác định nội dung hỗ trợ giúp đỡ và phân công cán bộ có năng lực trực tiếp phối hợp với thân nhân gia đình cảm hóa giáo dục đối tượng. Cán bộ được phân công kèm cặp giúp đỡ phối hợp với thôn, tổ dân phố thường xuyên đến thăm gặp thân nhân gia đình để trao đổi nắm tình hình; gặp gỡ tư vấn, động viên khuyến khích đối tượng phấn đấu vươn lên; phát hiện kịp thời những biểu hiện lệch lạc để có biện pháp ngăn chặn; đối với các trường hợp có nhu cầu giúp đỡ thì đề xuất với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ; chú trọng việc tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ cho các em về sinh kế để ổn định cuộc sống.

Các ngành chức năng, cùng với hội đoàn thể tổ chức nhiều đợt mời gọi số em trong diện cảm hóa, giáo dục đến kiểm danh, kiểm diện, thử test; trực tiếp tư vấn động viên các em nỗ lực vươn lên; đồng thời, nhắc nhở những trường hợp có các biểu hiện thiếu sự hợp tác, có nguy cơ bị nhóm bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo; các trường hợp sử dụng lại ma túy thì động viên gia đình đưa đi cai nghiện tự nguyện.

Hàng tháng, các Hội, đoàn thể tổ chức họp với Đại diện UBND xã, phường, công an khu vực, cán bộ phụ trách phòng chống tệ nạn xã hội để đánh giá phân loại sự tiến bộ của đối tượng; đồng thời bàn giải pháp tiếp tục cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các trường hợp chưa tiến bộ. Kết quả, qua 01 năm đã có 73 em tiến bộ, trong đó có việc làm 51 em; đang học nghề, học văn hóa 20 em, chưa có việc làm 02 em và 27 em cần được giúp đỡ tiếp. Hiện nay, thành phố đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các Hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục đợt 2 cho 125 em (Hội Cựu chiến binh: 45 em, Hội Phụ nữ: 40 em, Thành đoàn: 40 em).

Chắc chắn, với sự vào cuộc và phối hợp của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và gia đình sẽ giúp nhiều người nghiện ma túy tìm lại cuộc sống có ý nghĩa./.

Thái An