Một số vướng mắc, bất cập về pháp luật cần được tháo gỡ trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay Ngày đăng: 16/02/2017
Theo báo cáo của cơ quan công an, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người); ngoài nghiện heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ mỹ “XLR-11” tăng nhanh, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.... Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Cả nước hiện có 132 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó 110 cơ sở công lập và 22 cơ sở ngoài công lập do tổ chức và cá nhân thành lập.Trong số 110 cơ sở công lập, có: 05 cơ sở cai nghiện bắt buộc; 75 cơ sở cai nghiện tổng hợp (cai bắt buộc, cai tự nguyện, Methadone, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định); 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone; 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội.

Đến nay, tổng số người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là: 27.918 học viên, trong đó: Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 16.714 học viên, tăng 11.461 học viên so với năm 2015, trong đó có 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 62,35%; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.470 học viên; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 50.663 người, trong đó tại các cơ sở của ngành y tế là 48.229 người, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là 2.434 người; cai nghiện tại cơ sở tư nhân: 5.300 lượt học viên; quản lý sau cai cơ sở quản lý sau cai: 2.943 học viên; quản lý tại cơ sở xã hội là 2.583 người (trung bình quản lý từ 15-30 ngày).

Trong những năm qua, các Bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát, sửa đổi, xây dựng mới tháo gỡ khó khăn cho công tác điều trị, cai nghiện ma túy và đã đạt được những kết quả nhất định, công tác cai nghiện đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên vẫn còn một số quy định bất cập cần phải tiếp tục tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện hiện nay. Cụ thể như sau :

+ Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong đó quy định “người nghiện ma túy chấp hành được ½ thời gian quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn mà sử dụng trái phép chất ma túy thì bị đình chỉ thi hành và lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xác định nơi cư trú; xác định không có nơi cư trú ổn định”.

+ Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó giảm 4 thành phần (từ 9 thành phần xuống còn 5 thành phần trong hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, gồm: giấy xác định đã hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và giấy chứng minh cho ra khỏi chương trình điều trị thay thế; giấy xác định tình trạng nghiện hiện tại, văn bản đề nghị).

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các học viên cai nghiện tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy số IV thành phố Hà Nội

Việc sửa đổi, bổ sung trên đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện cũng còn một số vướng mắc được quy định từ Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), cụ thể:

+ Luật XLVPHC quy định cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác trong việc khai báo các triệu chứng; Luật hiện hành không quy định việc tạm giữ người để theo dõi, làm xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện.

+ Luật XLVPHC quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Từ đó Nghị định 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thành phần hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có phiếu xác nhận không có nơi cư trú ổn định. Nghị định số 56/2016/NĐ-CP quy định “Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vì phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định” quy định trên dẫn đến việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương (như đến nhà xác định 3 lần vắng mặt thì kết luận là không nơi cư trú; sang địa bàn xã, phường khác sử dụng ma túy thì xác định là không có nơi cứ trú....), đặc biệt là các tỉnh phía Nam, phần lớn người nghiện được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định.

- Quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng: Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, trong đó giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cai nghiện cho người nghiện tại gia đình, cộng đồng và giúp Ủy ban nhân dân cấp xã là Tổ công tác cai nghiện, thành viên Tổ công tác cai nghiện làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Thực tế quy định trên hiện không còn phù hợp với nhận thức mới về nghiện và cai nghiện ma túy, do đó mang tính hình thức kém hiệu quả, các địa phương rất khó khăn khi thực hiện.

- Quy định về quản lý sau cai tại Trung tâm theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 và Nghị định 94/2009/NĐ-CP, thực tế là kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc; quản lý sau cai tại cộng đồng mang tính hình thức, hiệu quả không cao.  

Một số đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội:

- Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương:

+ Thực hiện đúng những quy định của pháp luật, không có tư tưởng “làm trong sạch địa bàn” để đưa phần lớn người nghiện trên địa bàn vào cai nghiện bắt buộc.

+ Tăng cường kinh phí đầu tư để: nâng cấp, sửa chữa điều kiện ăn ở, sinh hoạt của học viên trong các cơ sở cai nghiện ma túy; kinh phí để tổ chức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; kinh phí đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy về các kỹ năng theo quan điểm đổi mới công tác cai nghiện ma túy.

+ Tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc quản lý Cơ sở cai nghiện ma túy đặc biệt là ngành Công an với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

+ Nghiên cứu cơ chế đặc thù cho lực lượng cán bộ quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

+ Kiện toàn hệ thống chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn và thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

- Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung:

+ Luật Phòng, chống ma túy: Bổ sung Chương can thiệp dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn Quốc tế về dự phòng nghiện bao gồm các chương trình can thiệp phổ quát, can thiệp chọn lọc và can thiệp chỉ định; sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện theo hình thức cung cấp dịch vụ.

+ Luật xử lý vi phạm hành chính: Sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy bằng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy./.

                                                                          Lê Văn Khánh

Phó Cục trưởng, Cục PCTNXH