Đoàn công tác Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm việc tại tỉnh Đồng Nai Ngày đăng: 08/07/2016
Trong 02 ngày 30⁄6 và 01⁄7⁄2016, Đoàn công tác của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội do đồng chí Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đến làm việc tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định chuyển đổi Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai; Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn; Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tiến hành đưa các đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở xã hội, lập hồ sơ, xem để đưa vào cơ sở điều trị của tỉnh. Một số khó khăn trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là: hoạt động lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động này không được bố trí, phụ thuộc vào nguồn kinh phí của cấp huyện; việc thu hút nhân sự trong công tác cai nghiện tại cơ sở khó vì thu nhập thấp, công việc lại vất vả, thường xuyên phải tiếp xúc với đối tượng bị các bệnh truyền nhiễm, thời giờ làm việc liên tục nhưng phụ cấp làm thêm giờ không được tính.

Làm việc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 6 năm 2016, cơ sở đang quản lý 876 học viên, trong đó 232 học viên cai nghiện bắt buộc, 631 học viên là đối tượng xã hội, 13 học viên cai nghiện tự nguyện. Số lượng học viên đã đạt hết công suất của cơ sở, vì vậy, cán bộ thiếu nhất là cán bộ y tế, mặc dù vậy, cơ sở đã khắc phục khó khăn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Qua tìm hiểu quy trình tiếp nhận, sàng lọc đối tượng, quản lý hồ sơ, nhận thấy cơ sở cần sàng lọc chính xác đối tượng ngay từ khi tiếp nhận, tiến hành xét nghiệm, chẩm đoán đối tượng nghiện ma túy, tránh tình trạng đưa “oan” đối tượng vào cơ sở và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ để đưa đối tượng vào cơ sở hoặc trả về nơi cư trú.

Qua kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá cao kết quả mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong công tác cai nghiện ma túy, là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy, thực hiện tốt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam. Tuy nhiên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tối đa việc học viên bỏ trốn, tránh tình trạng đã xảy ra số lượng lớn học viên bỏ trốn tại tỉnh, thành phố khác./.

Minh Phương