Tập huấn thực hiện can thiệp giảm hại cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí Ngày đăng: 06/07/2016
Từ ngày 22⁄6 đến ngày 6⁄7⁄2016, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam thông qua dự án VNM8P04 đã tổ chức 3 lớp tập huấn thực hiện can thiệp giảm hại cho người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tại Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu. Chủ trì tập huấn là ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; bà Lê Thị Hà- Phó Cục trưởng- Giám đốc dự án VNM8P04, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các lớp tập huấn.Tham gia tập huấn là cán bộ Chi cục⁄Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội của 63 tỉnh, thành phố.

Nội dung tập huấn tập trung vào các hướng dẫn kỹ thuật trong thực hiện can thiệp giảm hại cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí được hoạt động theo quy định của pháp luật. Thông qua các hoạt động phối hợp như: rà soát, đánh giá thực trạng người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; hội thảo đồng thuận; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể; thành lập nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; thành lập câu lạc bộ của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; xây dựng mạng lưới liên kết dịch vụ hỗ trợ; tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, truyền thông vận động cộng đồng và cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV và tư vấn lồng ghép các dịch vụ.

Hưởng lợi trực tiếp thông qua mô hình này là người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Đó là những người dễ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột lao động, bị xâm hại, bị ép buộc tham gia vào hoạt động mua bán dâm hoặc quan hệ tình dục với nhiều người. Họ có nguy cơ cao dễ bị lây các bệnh tật lây truyền qua quan hệ tình dục, trong đó, có những bệnh nguy hiểm như viêm gan (B, C), HIV, vi rút gây ung thư cổ tử cung (HPV) đồng thời, họ cũng có thể truyền các bệnh này cho những người khác, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Việc tiến hành các hoạt động giảm hại cho những người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để bảo vệ sức khỏe cho họ, tránh lây lan các bệnh tật cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng. Người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí có quyền được tiếp cận với các thông tin và dịch vụ về y tế, pháp lý, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua quan hệ tình dục, từ thông tin như vậy họ có thể đưa ra những lựa chọn cho mình làm giảm thiểu những mối nguy hại cho bản thân và cho xã hội.

Việc triển khai mô hình này tại cơ sở sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống mại dâm ở địa phương thực hiện được một trong những mục tiêu đặt ra trong Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 là “xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm”./.

Phạm Ngọc Dũng