Khánh Hòa: Khó khăn trong triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng Ngày đăng: 07/05/2024
Một trong những khó khăn lớn nhất là công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn Khánh Hòa theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là do các địa phương chưa tổ chức triển khai thực hiện; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập nằm trên địa bàn cấp huyện không thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện. Các ngành chưa phối hợp với UBND cấp huyện trong việc chỉ định đơn vị công lập để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Các cá nhân, tổ chức chưa quan tâm, đầu tư, tham gia cung cấp dịch vụ này.

Theo báo cáo Sơ kết 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, Sở Lao động – TBXH Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết quy định kinh phí và chế độ hỗ trợ cho công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, gồm: (1) Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy bắt buộc, người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh; (2) Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND quy định mức chi thù lao đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; đối tượng quản lý sau cai nghiện ma túy ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Về công tác tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, năm 2022, Sở Lao động – TBXH đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 290 đại biểu cấp tỉnh, huyện, xã để kịp thời triển khai, hướng dẫn chuyên sâu các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP về cai nghiện ma túy.

Năm 2023, Sở tổ chức 01 Hội nghị tập huấn cho 250 đại biểu làm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác này từ cấp huyện đến cấp xã và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.

Kết quả, tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 829 người (trong đó, tiếp nhận mới: 323 người; 01 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi). Số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập từ ngày 01/01/2022 đến 31/3/2024 là 54 người.

Số đang quản lý tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tại thời điểm ngày 31/3/2024 là 265 học viên. Tổng số người quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/3/2024 là 101 người.

Hiện nay, người nghiện ma túy sau khi hoàn hoàn thành xong thời gian cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy được cấp giấy chứng nhận để trở về hòa nhập cộng đồng và địa phương quản lý, giúp đỡ. Mạng lưới Đội Công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh (61 Đội) là lực lượng nòng cốt hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Tổng số có 65 lượt người sau cai nghiện được vay vốn với tổng số tiền 1,25 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 25/2009/NQ-HĐND ngày 15/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

Cán bộ Điểm tư vấn cộng đồng tư vấn cho người nghiện ma túy

Về công tác tuyên truyền, Sở Lao động - TBXH tổ chức 02 lớp tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các Trường Trung cấp nghề cho hơn 200 giáo viên, học sinh. Xuất bản 02 Bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội với 360 quyển; phát sóng 03 phóng sự phòng, chống tệ nạn xã hội trên Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa; phát hành 3.000 sổ tay “Vì một xã hội tốt đẹp hãy cùng nhau ngăn chặn ma tuý”; xây dựng 04 pano. Ngoài ra, phối hợp với các địa phương phát huy hiệu quả hoạt động của 61 Đội công tác xã hội tình nguyện, 12 Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện trên 4.000 lượt phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở; treo trên 100 băngron và phát hơn 1.000 tờ rơi về cai nghiện ma tuý. Các hoạt động truyền thông bước đầu đưa những quan điểm, quy định mới về công tác cai nghiện ma túy đến cộng đồng. Trong quý I/2024, Sở đang triển khai thực hiện 08 Pano tuyên truyền thuộc Tiểu dự án 2 “Phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy”.

Mặc dù, Sở Lao động - TBXH đã chỉ đạo, tiến hành rà soát về cơ sở vật chất, nhân sự để hoàn thiện hồ sơ, đăng ký và gửi ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào công bố đủ điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đang từng bước khắc phục những khó khăn trong công tác chỉ định các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn để thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Mặt khác, hiện nay, Cơ sở cai  nghiện ma túy tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể: số lượng viên chức tham gia các lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ rất ít, nên việc bổ nhiệm vào chức danh chuyên ngành chưa đảm bảo; số lượng biên chế hiện tại được giao cho Cơ sở còn thiếu (39/42). Thời gian tới, quy mô được nâng cấp công suất tiếp nhận trên 300 học viên, việc tuyển dụng, thu hút người vào làm việc tại Cơ sở gặp khó khăn nhất định do đặc thù công việc. Trong khi đó, biên chế hiện nay phụ thuộc vào định biên do UBND tỉnh giao mà không thực hiện theo Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022.

Công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy tại địa phương kết quả hạn chế do tinh thần, ý chí của họ thường bất mãn, tỷ lệ tái nghiện cao. Một số trường hợp được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi không trả nợ, trả chậm hoặc không có điều kiện trả, vì vậy UBND cấp xã không tâm huyết trong việc hỗ trợ giúp đỡ vay vốn. Các doanh nghiệp còn phân biệt, kỳ thị trong việc sử dụng lao động là nhóm đối tượng này.

Khó khăn lớn nhất là việc triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng do các địa phương chưa tổ chức thực hiện; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập đóng trên địa bàn cấp huyện không thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện. Các ngành chưa phối hợp với UBND cấp huyện trong việc chỉ định đơn vị công lập để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Các cá nhân, tổ chức chưa quan tâm, đầu tư, tham gia cung cấp dịch vụ này./.

Ngọc Cương