“Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người” Ngày đăng: 14/03/2024
Đây là một trong những yêu cầu đặt ra tại Phiên họp thẩm tra dự án luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức lần thứ 12 tại Thành phố Đà Nẵng (6/03). Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Tại phiên họp, đại diện Cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá những kết quả tích cực sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người: Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã kiểm soát được sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 15/3/2023, cơ quan chức năng đã khởi tố 1.744 vụ án, 3.059 bị can về tội mua bán người; toà án nhân dân các cấp thụ lý theo trình tự sơ thẩm 1.661 vụ với 3.209 bị can; đã xét xử 1.634 vụ với 3.137 bị cáo. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến đầu năm 2023, cơ quan chức năng tiếp nhận, hỗ trợ gần 8.000 nạn nhân của tội phạm mua bán người…

Những yêu cầu nổi bật đặt ra tại phiên họp

(1) Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người.

(2) Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

(3) Phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và giai đoạn tiếp theo.  

Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật và tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tháng 01/2024, Bộ Công an đã trình Chính phủ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Chính phủ đã họp, cho ý kiến về dự án Luật và giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình Quốc hội về dự án Luật… Dự thảo luật gồm 8 chương, 66 điều (tăng 8 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011). Trong đó, xây dựng mới 9 điều; sửa đổi, bổ sung nội dung 52 điều; bãi bỏ 1 điều. 

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và một số luật có liên quan. Các đại biểu cũng góp ý, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát tính đồng bộ, thống nhất với các luật như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Giáo dục, Luật Trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Nghị định thư Palermo, Công ước ACTIP.

Đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã giải trình, tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý để sớm hoàn thiện dự thảo Luật./.

Nhật NL