Triển khai Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 ( khu vực phía Nam) Ngày đăng: 20/05/2016
Ngày 19⁄5⁄2016, tại Bạc Liêu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; về phía tỉnh Bạc Liêu có Phó Chủ tịch UBND Vương Phương Nam; dự hội nghị có Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập, Phó Cục trưởng Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Lê Thị Hà và đại biểu một số Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hội nghị đã quán triệt chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, đồng thời thảo luận về tình hình phức tạp của tệ nạn mại dâm hiện nay và biện pháp thực hiện nhằm giảm thiểu hậu quả tệ nạn mại dâm trọng thời gian tới. Hội nghị chia sẻ một số nội dung về: “Thực trạng tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm người bán dâm và một số khuyến nghị trong việc kết hợp công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS”; “Vai trò, sự tham gia của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và giáo dục, phòng ngừa và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm ở Việt Nam”; kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai mô hình thí điểm nâng cao khả năng tiếp cận với dịch vụ xã hội và hỗ trợ phòng, chống bạo lực, trợ giúp pháp lý cho nhóm người bán dâm. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh trong năm 2016 cơ quan Trung ương và địa phương cần thực hiện tốt một số công tác sau:

Đối với cơ quan Trung ương:

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm trình Chính phủ xem xét cho phù hợp thực tiễn.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về mại dâm và phòng, chống tệ nạn mại dâm thông qua việc xây dựng các chương trình, tổ chức các chiến dịch truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng công cụ truyền thông, thiết lập mạng lưới cộng tác viên.

- Phối hợp với các địa phương xây dựng và thực hiện thí điểm 3 mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020.

 Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm, không kì thị đối với người bán dâm, ứng xử dựa trên quyền con người đã được Hiến pháp quy định.

- Thúc đẩy phát triển mạng lưới các đồng đẳng viên, các nhóm tiếp cận cộng đồng (CBO), hiện mạng lưới này đã có tại 33 tỉnh, thành phố, thời gian tới cần phối hợp với các tổ chức: SCDI (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Tổ chức Care International tăng cường hình thành các nhóm hỗ trợ này ở các tỉnh, thành phố còn lại để tăng sự tiếp cận, hỗ trợ can thiệp, giảm hại cho người hoạt động mại dâm và người có nguy cơ.

- Tổ chức tốt các loại hình dịch vụ ở địa phương như: hỗ trợ tâm lý, y tế, học nghề để những người có nguy cơ, người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng.

- Tăng được số người tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là số người được khám chữa bệnh tăng lên, số người sử dụng bao cao su tăng lên, số người lây nhiễm HIV/AIDS giảm đi, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.

Phòng, chống mại dâm là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp, tuy nhiên, việc giảm thiểu tác hại từ mại dâm đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội là hết sức cần thiết. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của cả toàn dân để đảm bảo phát triển đồng bộ giữa kinh tế - xã hội và ổn định xã hội nhằm thúc đẩy phát triển một cách bền vững./.

Trường Giang