Hội nghị “Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020” Ngày đăng: 13/05/2016
Ngày 12⁄05⁄2016, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị “Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020”. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm; đại biểu Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, cùng đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức đoàn thể, đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, tổ chức Quốc tế, tổ chức Phi chính phủ, nhóm đồng đẳng và cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Tại Hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo phân tích, đánh giá công tác phòng, chống mại dâm thời gian qua và các nội dung của chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020.

Ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 361/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020 với mục tiêu “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm”.

Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm. Chương trình chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hóa cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội vào công tác phòng ngừa mại dâm.

Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình bao gồm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế- xã hội tại địa bàn cơ sở; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng, ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Theo kế hoạch, các bộ, ngành Trung ương sẽ tập trung vào việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phân công; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về mại dâm và phòng, chống mại dâm thông qua việc xây dựng các chiến dịch truyền thông, thiết lập mạng lưới cộng tác viên; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm; xây dựng và thực hiện thí điểm các mô hình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội.

Toàn cảnh hội nghị

Đối với các địa phương, cần tăng cường tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; đấu tranh các chuyên án về tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em; tập huấn, nâng cao năng lực về công tác thanh, kiểm tra thanh tra lao động, thanh tra văn hóa, công an, thành viên Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm. Đáng chú ý, các tỉnh, thành cần xây dựng và thực hiện thí điểm 3 mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định phòng, chống mại dâm là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Cho đến nay, Việt Nam chưa coi bán dâm là một nghề. Báo cáo của mạng lưới hỗ trợ người bán dâm hiện có tại 33 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ, tiếp cận, giảm hại được nhiều người bán dâm giúp địa phương nắm được tình hình mại dâm tại địa bàn. Tuy nhiên, việc cần làm hiện nay là rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, không chỉ đối với người bán dâm mà còn đối với chính những người làm công tác hỗ trợ, giảm hại, phải tiếp cận được người bán dâm trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư. Tiếp đến là đào tạo tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ.

Năm 2016 cần phấn đấu, thực hiện tốt những nội dung sau:

- Tăng số lượng các tỉnh có mạng lưới kết nối của người bán dâm, từ đó nắm được thực trạng mại dâm hiện nay.

-  Tăng số người được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, số người được khám sức khỏe định kỳ, số người sử dụng bao cao su, giảm được số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục, giảm các loại tội phạm liên quan đến vấn đề mại dâm (buôn người vì mục đích mại dâm, các vụ môi giới, bạo lực đối với người bán dâm).

- Tăng số người bán dâm được tiếp cận với việc học nghề, vay vốn, tạo việc làm.

Kim Dung