Lạng Sơn: Triển khai chỉ đạo điểm về phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 25/04/2016
Ngày 19⁄4⁄2016, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch phòng, chống mua bán người. Tham dự hội nghị có có đại diện Cục Tham mưu cảnh sát, Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cục Phòng, chống tội phạm và ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Ban chính sách pháp luật (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam).

Lạng Sơn có trên 231 km đường biên giới, trong đó có nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và các chợ đường biên, đường mòn sang Trung Quốc. Hàng năm có hàng triệu lượt người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Lạng Sơn, do vậy có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Hoạt động của tội phạm mua bán người trong những năm qua trên địa bàn diễn ra phức tạp, các đối tượng tội phạm đã lợi dụng đường biên giới dài, hiểm trở, có nhiều đường mòn, đường tắt để đưa người bán qua biên giới. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 - 2015, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã điều tra khám phá 54 vụ, 107 đối tượng phạm tội mua bán người, tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ được 134 nạn nhân bị mua bán từ Trung Quốc trở về. Ngoài ra còn tiếp nhận, xác minh nhiều thông tin trình báo liên quan đến người thân mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Trên cơ sở đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và báo cáo kết quả công tác phòng, chống mua bán người tại địa phương trong những năm qua, Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm, những tồn tại, khó khăn vướng mắc và đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ đã đề ra.

 Công tác trọng tâm trong giai đoạn tới được đại biểu nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm mua bán người; tập trung điều tra, mở rộng án, đấu tranh triệt để các đường dây, đối tượng phạm tội, lựa chọn một số vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin giữa Việt Nam và Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tổng rà soát, điều tra về tình hình nạn nhân bị mua bán; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán./.

Lưu Hiền