Thái Bình: triển khai công tác phòng, chống HIV⁄AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2023 Ngày đăng: 23/05/2023
Ngày 18/5/2023, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 72/KH- UBND về việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2023.

 

 

 

 

 

 

Theo đó, UBND tỉnh đã đưa ra những nội dung và biện pháp để thực hiện kế hoạch như: Triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS đảm bảo thiết thực, có hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương. Thành lập các Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tình hình, kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm ở một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú đa dạng, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao, phù hợp với từng địa bàn, khu vực, nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân; chú trọng tổ chức tập huấn về kỹ năng phòng, chống ma túy cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và sinh viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội…

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và tôn vinh các điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma tuý; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội nhằm xây dựng ý thức đúng về nguy cơ lây truyền HIV và viêm gan B, C, qua đó, có ý thức tự giác phòng ngừa HIV. Gắn hiệu quả công tác phòng, chống ma túy với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và các phong trào thi đua ở cơ sở.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tình nguyện viên, cộng tác viên truyền thông tại các đơn vị, địa phương để thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng chống AIDS; tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con, duy trì hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho 100% phụ nữ mang thai, can thiệp dự phòng cho thai nhi và điều trị kịp thời trong các trường hợp mẹ nhiễm HIV. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM. Phấn đấu điều trị ARV cho 100% các bệnh nhân, bảo đảm tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế 95%; đồng thời tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế. Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,5% và tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng dân cư ở mức 0,03%; tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS; bình thường hóa bệnh HIV/AIDS; tiếp tục góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS và tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 95-95-95. Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế và cộng đồng. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS, phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở, mở rộng việc chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng. Huy động các nguồn lực, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo tăng cường năng lực trong chuẩn đoán và điều trị HIV/AIDS, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.

Về công tác phòng, chống ma túy, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống ma tuý ở các sở, ngành, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý; tham mưu cấp uỷ, chính quyền các giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống ma tuý. Làm tốt công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý, các đối tượng liên quan đến ma tuý; đẩy mạnh sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý; thực hiện hiệu quả công tác chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý; giữ vững số thôn, xã không có ma tuý, giảm số xã có ma tuý và trọng điểm, phức tạp về ma tuý. Nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình tội phạm về ma tuý. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy; triển khai các kế hoạch, phương án nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa; bắt giữ cả đường dây, đối tượng cầm đầu. Tăng cường phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú ý có chứa chất ma túy, tiền chất để sản xuất, điều chế ma túy. Kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; quản lý chặt chẽ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không để các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Tăng cường công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp làm tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cấp có thẩm quyền tăng cường hỗ trợ chế độ, chính sách cho người cai nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát, đánh giá nhu cầu, sự phù hợp với quy hoạch đảm bảo tính khả thi thực hiện các dự án, các cơ sở cai nghiện cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Đánh giá tổng thể các nhiệm vụ thuộc phạm vi, trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác cai nghiện và quản lý người nghiện tại các Trung tâm cai nghiện bắt buộc; cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng theo đúng quy định tại khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống ma tuý.

Về công tác phòng, chống mại dâm, UBND tỉnh giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu thực hiện tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm triển khai một cách toàn diện và hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm thông qua xây dựng, ký kết và tổ chức triển khai các quy chế phối hợp. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp trong công tác phòng, chống mại dâm; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần.

 Tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; phát triển các chương trình truyền thông; tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Phát triển, củng cố mạng lưới cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội từ tỉnh đến cơ sở, phát huy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm.Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp, các ngành và các tổ chức liên quan.

TM