Sập bẫy vì tin lời hứa “việc nhẹ, lương cao” Ngày đăng: 30/12/2022
Nhiều nạn nhân trở về được cán bộ Bộ đội Biên phòng giúp đỡ và đã khai báo rằng, các HR (Human Resource - đối tượng tuyển người ở các sòng bài, sàn trò chơi điện tử tại Campuchia) có chiêu trò lừa phỉnh “việc nhẹ, lương cao”, không bao giờ đề cập đến mặt trái công việc, không bao giờ nói tới việc nếu người lao động không làm việc được mà muốn quay về Việt Nam thì họ sẽ phải chuộc bao nhiêu tiền

 “Thả câu” với chiêu trò lương “khủng”

Ngày 9/11/2022, một thanh niên mặc chiếc áo pull trắng, sọc xanh đi từ cửa khẩu Ba Vet phía Campuchia vào khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Bề ngoài người thanh niên này tỏ vẻ tự tin và trình bày về việc bị lừa sang Campuchia lao động khổ sai trong các sàn trò chơi điện tử do người Trung Quốc quản lý. Nhưng rồi, vẻ mặt kia vẫn thấp thoáng nỗi lo âu một cách khó đoán. Hệ thống máy quét thông tin đã nhanh chóng báo kết quả “đối tượng có lệnh truy nã, 4 tiền án về đánh người gây thương tích, trộm cắp, hủy hoại tài sản và sử dụng ma túy”.

Bùi Đức Kiệt bị tạm giữ và đưa về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để làm thủ tục bàn giao cho Công an huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ngồi trên chiếc ghế bành, Kiệt chìm ngay vào giấc ngủ. Nhưng thỉnh thoảng tên này vẫn giật mình, bật dậy thật nhanh rồi đảo mắt nhìn ra xung quanh. Sau này khai thác Kiệt, tôi mới hiểu, quãng thời gian làm nhân viên HR thì những người bị Kiệt lừa sang Campuchia với lời hứa lương hàng nghìn USD, nhưng lại rơi vào thảm cảnh. Điều đó cũng khiến Kiệt thấp thỏm trong lòng.

Sử dụng các tài khoản Messenger ảo, Kiệt gửi đi thông tin tuyển dụng. Ví dụ như Messenger mang tên Bebe, Kiệt giới thiệu: “Nếu làm cho Công ty X, làm nhân sự HR được trả lương từ 1.300-1.600 USD, nhân viên bán hàng được trả từ 900-1.000 USD, tổ trưởng gọi điện bán hàng được trả 1.100-1.500 USD, được trả lương cao nhất là nhân viên công nghệ, mức 1.500-2.500 USD; làm việc chuyên cần thì được cộng thêm 100 USD, hỗ trợ tiền xe 1.500 USD, 6 tháng được về phép 15 ngày”. Thỉnh thoảng, Kiệt còn nhắn thêm phần bổ sung: “Hỗ trợ chi phí đến 1.500 USD, có thẻ ra vào cổng, bao ăn 3 bữa”.

Kiệt và các đối tượng HR ở Campuchia, khi trở về Việt Nam đều thú nhận, họ thường để lại những “dấu vết” về quá trình hoạt động, đó là tạo các tài khoản Messenger có hình ảnh đại diện là trai xinh, gái đẹp để chiêu dụ mọi người ở Việt Nam nộp tiền vào tài khoản. Trong một tài khoản Messenger có ảnh đại diện là một chàng trai tóc dài, trông giống như nghệ sĩ, Kiệt đã chat với một người ở tỉnh Bình Thuận chia sẻ về việc “vào làm 2-3 ngày là được cấp thẻ ra vào cổng, đúng giờ thì đi làm, còn ngoài giờ muốn đi đâu thì đi”.

Có những tin nhắn từ tài khoản được Kiệt lấy tên là HR Bebe, có người khi nghe lời Kiệt tư vấn đã tỏ ra thích thú về công việc tại các sòng bạc ở Shihanouk, Venus, China Town, Kim Sa… Nhưng cũng có người tỏ vẻ cảnh giác và trả lời thăm dò. Khi chiêu dụ, Kiệt luôn giới thiệu mình là HR của Công ty X, gần cửa khẩu Ba Vet, đối diện cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Hứa thẻ VIP

Anh Tuấn - một nạn nhân quê ở thành phố Hồ Chí Minh, khi thoát được về Việt Nam vào tháng 10 vừa qua đã kể lại rằng, khi lên internet gõ vào trang tìm kiếm việc làm, anh đã nhận được tin nhắn từ một HR nói rằng, việc làm ở Campuchia có thu nhập rất ổn, mỗi tháng cỡ 900 USD. Khi thấy anh có vẻ chưa tin thì HR nói rằng: “Công ty mời anh qua tham quan, thử công việc xem có phù hợp không rồi tùy anh lựa chọn. Nếu anh muốn thì ngày mai sẽ có xe tới đón tận nhà”.

Khi nghe có vẻ bùi tai, anh Tuấn lập tức nhận lời và theo xe sang Campuchia, đi tham quan công ty. Khi vừa tới cổng, một người phụ nữ ra đón anh vào, qua cánh cổng đầy người đứng gác với dùi cui và vẻ mặt lườm lườm. Thấy đi vào công ty nhưng giống như đi vào hang ổ xã hội đen trong phim, anh Tuấn hỏi thì người phụ nữ kia điềm nhiên trả lời là anh đã được bán vào công ty với giá 1.500 USD và không được trở về quê.

Trong số hàng ngàn nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia, anh Tuấn là nạn nhân tự mình “nộp mạng”, còn đối tượng bán anh cũng không cần nhiều thời gian, chỉ cần chi phí cho chuyến xe khoảng vài triệu đồng là đã “bắt sống” được anh ngay tại cửa sòng bạc.

Anh Tuấn và nhiều nạn nhân sau này đều thú nhận, các HR lôi kéo và dụ dỗ họ thì ảnh đại diện trên Messenger đều là những trai xinh, gái đẹp. Bên cạnh việc đưa ra mức lương “khủng “, thì người bị chiêu dụ luôn được trấn an là có thẻ ra vào cổng, đi lại tự do chứ không phải bị giam lỏng như tin đồn trên mạng xã hội.

Từ tháng 8/2022 đến nay, Bộ Nội vụ Campuchia đã tổ chức các chiến dịch rà soát trên quy mô toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài đang sinh sống để ngăn chặn nạn mua bán người. Các nạn nhân từ Campuchia trở về cho biết, nhiều ông chủ phó mặc nhân viên để bỏ chạy, các đối tượng nằm trong hệ thống quản lý và từng đánh đập, tra tấn các lao động cũng trở về Việt Nam.

Sau một thời gian lắng đọng, đến cuối tháng 11/2022, một số trang trực tuyến lại tiếp tục thông báo tuyển việc làm ở các sòng bài tại Campuchia. Các HR cũng đổi chiêu tuyển người bằng cách nhấn mạnh: “Có thẻ VIP ra vào cổng tự do, có thể thuê ở trọ ngoài công ty, đi lại tự do, không bán cho các công ty khác, hoàn lại chi phí nếu sang Campuchia thử việc nhưng không đạt”.

Nhưng trên thực tế, các chủ sòng bài luôn siết chặt quản lý, mỗi lao động ở các tụ điểm này bị biến thành một cỗ máy và phải bằng mọi cách moi được tiền bằng cách lừa đảo những người nhẹ dạ, càng nhiều càng tốt

K.D (Theo báo Biên phòng)