Hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” Ngày đăng: 16/01/2023
Ngày 13/01/2023, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và bà Doyen Jun, Giám đốc dự án và quan hệ đối tác của tổ chức IOM tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

 

 

Tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và đại diện Sở LĐTBXH, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng của 13 tỉnh, thành phố.

Về phía các tổ chức quốc tế, có ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam; Tiến sỹ Kari Johnstone, Phó Giám đốc Văn phòng giám sát và chống mua bán người của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ; Bà Mi hyung Park, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Hà Nội, Đại sứ quán Lào, Đại sứ quán Thái Lan, Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Phái đoàn IOM Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Epic/Fhi; các tổ chức phi chính phủ: Tổ chức trẻ em rồng xanh, Tổ chức tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2022, kết quả bước đầu thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng nhằm tăng tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững. Bên cạnh đó, chia sẻ kế hoạch, lộ trình và giải pháp thực hiện Khuyến nghị của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đối với Bộ LĐTBXH tại báo cáo TIP năm 2022.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Thùy Dương cho biết, qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều đó, khẳng định sự nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người. Đồng thời, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc, Công ước ASEAN, Nghị định thư và các Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước liên quan về công tác phòng, chống mua bán người.

Trong đó, lực lượng Công an và Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hàng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, nhất là với các nước có chung đường biên giới trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Song song đó, đối với công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế một cách có hiệu quả, nhất là với các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Qua đó, góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đánh giá cao kết quả và những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người và HTNN thời gian qua, đồng thời, thông tin về tình tình trạng mua bán người và di cư tự do trên thế giới, nhất là trong đại dịch Covid-19, nhiều nguy cơ dẫn tới tình trạng tội phạm mua bán người và nạn nhân đang có xu hướng gia tăng, điển hình như ở Campuchia... Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam mong muốn các bên sẵn sàng, thẳng thắn trao đổi với nhau để giải quyết những vấn đề nảy sinh, đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng và các nước cùng cam kết phòng, chống mua bán người trên toàn cầu.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe báo cáo kết quả phòng, chống mua bán người và HTNN năm 2022 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Bộ LĐTBXH; những kết quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và HTNN bị mua bán; kinh nghiệm thực hiện mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán của Tổ chức IOM; những hoạt động và hỗ trợ của Tổ chức IOM tại Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý kiến về các nội dung khuyến nghị của Báo cáo TIP 2022 và các giải pháp thực hiện của Bộ LĐTBXH về công tác phòng, chống mua bán người và các giải pháp thực hiện khuyến nghị của Báo cáo TIP; dự thảo Bộ công cụ sàng lọc, đánh giá, chuyển tuyến người nghi là nạn nhân bị mua bán qua các đợt kiểm tra, truy quét của các lực lượng chức năng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.../.

Ngọc Cương