Kiểm tra công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa Ngày đăng: 30/11/2015
Từ ngày 23- 28⁄11⁄2015, đoàn công tác Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh và hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện tại 3 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa. Tại mỗi tỉnh, thành phố, Đoàn làm việc với một số xã, phường và các Sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Lao động- Thương binh và Xã hội.

Qua báo cáo của địa phương cho thấy cấp ủy, UBND, các ngành, đoàn thể của các xã, phường đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Công tác truyên truyền đa dạng, phong phú với nhiều hình thức khác nhau: lồng ghép vào các cuộc họp tổ dân phố, hội diễn văn nghệ, các buổi tọa đàm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với nhiều đối tượng tham gia.

         Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, tham mưu cho UBND xã về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn xã, phường. Mỗi thành viên được phân công giúp đỡ, hỗ trợ những người cai nghiện, người nhiễm HIV, người bán dâm. Đội tình nguyện thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp cận thành công 14 người nghiện ma túy, 4 người mại dâm giúp họ có việc làm ổn định cuộc sống. Đội thường xuyên phối hợp với các câu lạc bộ (CLB Phụ nữ phòng, chống mại dâm, CLB Hơi thở xanh, CLB Gia đình văn hóa…) tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, ma túy, HIV/AIDS. Tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Đội công tác xã hội tình nguyện của phường đã tổ chức tuyên truyền hơn 50 lượt thu hút trên 7000 lượt người tham gia. Đội đã vận động giúp đỡ cho 01 đối tượng vay vốn, 09 đối tượng có việc làm có thu nhập ổn định. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa đã xét, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiến hành cho vay 06 hộ gia đình người bán dâm, người nhiễm HIV, người nghiện sau cai với tổng số tiền là 120 triệu đồng, nâng tổng số hộ gia đình được vay vốn tính đến năm 2015 là 59 hộ với tổng số tiền là 1.141 triệu đồng.

         Qúa trình thực hiện ở địa phương cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc, cán bộ làm công tác LĐTBXH ở xã, phường thị trấn, kiêm nhiệm rất nhiều việc, thường xuyên thay đổi không nắm vững chính sách, pháp luật nên hiệu quả công việc chưa cao. Kinh phí hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện còn hạn chế, phụ cấp đối với tình nguyện viên một số huyện chưa thực hiện theo Thông tư 24/2012. Một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy không còn phù hợp gây  khó khăn cho việc thực hiện ở địa phương. Kiến nghị của các địa phương trong thời gian tới cần tập huấn nâng cao năng lực đối với cán bộ xã, phường làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và Đội công tác xã hội tình nguyện. Đồng thời đề xuất sửa đổi, điều chỉnh  một số tiêu chí chấm điểm xã, phường theo Nghị quyết liên tịch 01/2005 và Nghị quyết liên tịch 01/2008 cho phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.

                                                                                                           PV