Kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu năm 2022 Ngày đăng: 06/09/2022
Ngày 15/8/2022, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành kế hoạch số 146/KH- UBND về tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2022

Theo Kế hoạch, từ tháng 8 đến tháng 12/2022, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh sẽ tổ chức 16 đợt khảo sát và 40 đợt kiểm tra tại các các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh. Đội trưởng Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh sẽ căn cứ tình hình thực tế ấn định số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ cần kiểm tra tại mỗi huyện, thị xã, thành phố cho phù hợp.

Việc kiểm tra tập trung vào các nội dung được quy định tại Điều 11 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, cụ thể: Việc chấp hành các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm. Đăng ký kinh doanh; Giấy phép kinh doanh; Giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký sử dụng lao động; ký kết Hợp đồng lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động, các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động theo quy định của pháp luật.Việc cam kết bằng văn bản về phòng, chống tệ nạn mại dâm của chủ cơ sở với chính quyền sở tại; cam kết của người lao động với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không tham gia tệ nạn mại dâm. Đăng ký tạm trú; Giấy đăng ký thực hiện an ninh trật tự với cơ quan chức năng. Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch cũng đề ra 05 nhóm nhiệm vụ - giải pháp cơ bản để việc triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất, đó là: Căn cứ kết quả trực tiếp khảo sát địa bàn và đề nghị của các Sở, ngành, địa phương hoặc đơn, thư, tin tức phản ánh của Nhân dân, báo, đài... về tình hình nghi vấn hoạt động mại dâm trên địa bàn, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ và xây dựng lịch kiểm tra cụ thể cho từng địa bàn, từng cơ sở định kỳ hoặc đột xuất phù hợp với tình hình thực tế. Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra độc lập hoặc tùy theo tình hình có thể thông báo phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn hỗ trợ, phối hợp kiểm tra, khảo sát. Tăng cường kiểm tra đột xuất tại các khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ do người nước ngoài đầu tư; các loại hình kinh doanh dịch vụ massage, bar, beer club, karaoke... nghi vấn có hoạt động mại dâm và tổ chức khiêu dâm, kích dục trá hình trên địa bàn tỉnh. Kịp thời khảo sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tính chất phức tạp do các đơn vị, địa phương đề xuất hoặc đơn thư tố giác, phản ánh của Nhân dân. Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, trong trường hợp cần thiết, có thể hỗ trợ về chuyên môn và cán bộ cho Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có tình hình phức tạp liên quan đến phòng, chống mại dâm.

UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, thực hiện quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và là đầu mối giúp việc cho UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh. Đề xuất UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh và huyện, thị xã, thành phố. Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc Đội Kiểm tra liên ngành178 các cấp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch kiểm tra. Thực hiện quản lý và sử dụng nguồn kinh phí phục vụ hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh (kinh phí làm đêm, thêm giờ, thuê xe ô tô, mua đồng phục, mua trang thiết bị, dụng cụ, văn phòng phẩm... phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của Đội) đảm bảo đầy đủ, tiết kiệm và đúng quy định. Chỉ đạo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh ra quyết định xử phạt các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả xử phạt hàng năm được ghi vào kết quả hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh.

 Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, tổng mức tiền phạt vượt quá thẩm quyền của UBND cấp huyện và Chánh Thanh tra các Sở, ngành. Theo dõi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm đã được Đội Kiểm tra liên ngành kiến nghị mà không xử lý kịp thời và đối với các trường hợp chậm hoặc không thực hiện nộp tiền phạt theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng và 01 năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh về kết quả kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh.

PV