Cảnh giác với quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” trên đất Campuchia Ngày đăng: 12/05/2022
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. Cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức xuất nhập cảnh bất hợp pháp, hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục, sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen. Không sang Campuchia tìm việc làm thông qua các hoạt động tuyển dụng trên mạng; không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch.

Những lời mời chào “có cánh”

Theo thông tin từ Công an tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2022 đến nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang thông tin, hội nhóm như “Việc làm Cambodia”, “Hội người Việt ở Campuchia”... với mục đích lôi kéo người dân thất nghiệp, cần việc làm, xuất cảnh sang Campuchia để làm việc xuất hiện ngày càng nhiều.

Lợi dụng tình trạng người lao động đang cần tìm kiếm việc làm, nhất là lao động ở các vùng nông thôn hoặc những lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đối tượng lừa đảo với những lời dụ dỗ về mức lương “khủng”, kèm theo chế độ đãi ngộ hấp dẫn đã khiến hàng trăm người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.

Sau khi chiếm được lòng tin và “sự hợp tác” từ phía những người lao động, bọn lừa đảo đã sử dụng nhiều cách để đưa họ vượt biên sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch hoặc nhập cảnh trái phép. Thậm chí, nhiều kẻ lừa đảo còn sẵn sàng ứng tiền công trước để dụ dỗ người lao động.

Nạn nhân được lực lượng Biên phòng tỉnh Kiên Giang giải cứu vào đầu năm 2022 chia sẻ: “Tất cả tiền nong, thủ tục, họ đều lo cho bọn em hết, bọn em đi là trong người không có một đồng nào luôn. Khi tuyển người thì họ bảo là chỉ cần biết sơ sơ máy tính nhưng thực ra người ta trả lương với mức lương từ 800 đô đến tận mấy ngàn đô một tháng thì chỉ có lừa. Chỉ có lừa sang đến nơi rồi bán ấy ạ”.

Quả thật như vậy, người lao động khi đặt chân đến Campuchia thì bị bán cho các chủ lao động nước ngoài. Các nạn nhân bị đưa vào các khu sòng bạc hay khách sạn làm những công việc dọn dẹp với tiền lương ít ỏi nhưng lại bị trừ rất nhiều khoản chi phí.

Hoặc tại các sòng bạc, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Họ bị áp đặt doanh thu, nếu không đủ sẽ phải đóng tiền phạt; thậm chí còn bị giam lỏng nên không thể nào bỏ trốn. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam có thể bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng nghìn USD mới được thả.

Tuy vậy, chỉ khi khi sang đến nước bạn mới thực sự vỡ lẽ bởi công việc họ phải làm hoàn toàn không giống quảng cáo hay những viễn cảnh tươi đẹp mà họ được “vẽ” ra. Những người lao động tự do bỗng chốc biến thành “nô lệ” bị bóc lột bằng đủ mọi cách, bị đối xử thậm tệ nhưng không biết cầu cứu ai. Và đương nhiên điều kiện sinh hoạt và làm việc cũng hết sức tạm bợ, tồi tàn.

“Như được sống lại một lần nữa”

Tháng 1/2022, 9 thanh niên nam nữ từ các tỉnh Nghệ An, Hà Nam, Nam Định và Hải Dương được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia giải cứu khỏi Thành phố cảng Sihanoukville.

Khi về tới Việt Nam, chàng trai 30 tuổi người Nghệ An vẫn không thể tin được, mình vẫn còn sống để về Việt Nam. Nạn nhân bị bóc lột sức lao động khi sang Campuchia kiếm việc làm: “Người ta nhốt rồi còng tay 24/24. Treo ngủ, ngồi không ngồi được, đứng không đứng được. Kêu cứu thì chẳng biết kêu cứu ai. Khi ở bên ấy thì nghĩ làm sao mà giữ được mạng, hy vọng về thì phải là kỳ tích chứ không nghĩ có thể về được Việt Nam nữa rồi”.

Theo lời kể của các nạn nhân, họ là bạn bè ở quê và thông qua lời giới thiệu tuyển người trên các mạng xã hội với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng bao ăn ở mà đã cùng nhau vượt biên sang Campuchia. Tuy nhiên làm mãi không được trả lương đến khi hỏi thì bị xích tay và bỏ đói. May mắn trong quá trình bị giam giữ, nhờ lòng tốt bụng của bác bảo vệ người bản xứ nên mới liên lạc được ra ngoài và được giải cứu.

Theo đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, từ đầu năm 2021 tới tháng 1/2022 đã giải cứu và tiếp nhận từ các lực lượng của Campuchia và Lãnh sự quán Việt Nam tại Shihanukville Campuchia hơn 200 công dân Việt Nam bị lừa đưa sang để làm việc trong các công ty, cơ sở game, các dịch vụ giải trí và các công ty tại Congpongsom.

Trung tá Nguyễn Đức Việt (Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên) cho biết, qua quá trình giải cứu và tiếp nhận, có rất nhiều trường hợp bị lừa sang đấy. Một số trường hợp không chịu đựng được thì người ta bỏ trốn, khi bỏ trốn thì bị chủ bắt lại, có trường hợp nhảy từ trên tầng 3 xuống, bị thương ở chân, ở người. Khi giải cứu đưa về Việt Nam thì phải đưa đi cấp cứu, phải đưa đi bệnh viện. Phụ nữ sang đó còn có thể bị bán sang cơ sở mại dâm trá hình, trong quá trình ấy do không đảm bảo sức khỏe thì chủ cho sử dụng ma túy đá luôn.

Một nạn nhân được giải cứu cũng đã nghẹn ngào chia sẻ: “Khi được Bộ đội Biên Phòng giải cứu về Việt Nam em rất là vui mừng, gần như là được sống lại một lần nữa”.

Các lực lượng chức năng khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, người dân cần cảnh giác, muốn tìm việc làm ở nước ngoài thì liên hệ với các đơn vị có chức năng chuyên môn, được Nhà nước cấp phép để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho bản thân.

Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ: Tại Campuchia - số điện thoại (00855) 0974.056.789; tại Việt Nam - Tổng đài Bảo hộ công dân: (0084) 0981.84.84.84.

K.D (Theo Báo Pháp luật)