Hà Nội: Hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện Ngày đăng: 15/03/2021
Với thế mạnh cư trú ổn định trên địa bàn, uy tín ở cộng đồng, các lực lượng tình nguyện viên đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các cấp chính quyền, đoàn thể với người mắc tệ nạn xã hội và gia đình họ, góp phần làm cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng hiệu quả.

Thành phố Hà Nội hiện đang duy trì 579 Đội công tác xã hội tình nguyện với 4.386 tình nguyện viên. Để giữ vững trật tự xã hội và kiểm soát địa bàn không để tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp. Trong năm 2020, lực lượng tình nguyện viên đã tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho hàng chục ngàn lượt hộ gia đình có người trong diện nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội; tiếp cận 67.642 lượt đối tượng trong diện được phân công quản lý; cấp phát trên 100.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS. Các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tính chất, lứa tuổi của từng đối tượng. Thông qua sự tiếp cận, động viên, giúp đỡ, các tình nguyện viên đã giúp người nghiện ma túy lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp; người sau cai nghiện ma túy xoá bỏ mặc cảm, tự tin hơn và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống tái nghiện, tái phạm, hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, mô hình Câu lạc bộ B93 do Đội tình nguyện quản lý, điều hành sinh hoạt, các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, tổ chức tư vấn cho gia đình người nghiện và bản thân người nghiện về tác hại của ma tuý, lợi ích của việc cai nghiện, các hình thức cai nghiện để họ lựa chọn tham gia điều trị, cai nghiện phù hợp với bản thân và gia đình. Cụ thể, có 2.373 người nghiện ma túy được vận động và giúp đỡ tham gia 01 hình thức cai nghiện, trong đó, 1.200 người cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở; 1.173 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Thực hiện việc triển khai thí điểm mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” tại 06 phường trên địa bàn quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm và mở rộng thêm 04 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Lực lượng tình nguyện viên đã đóng vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ 145 người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyến gửi tới các dịch vụ như: Xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng HIV 15 người; điều trị Methadone 17 người; điều trị sức khỏe tâm thần 69 người; điều trị cai nghiện ma túy 45 người; hỗ trợ pháp lý 14 người. Gặp gỡ, vận động gia đình, dòng họ có trách nhiệm quản lý và hỗ trợ việc làm tại nhà hoặc tại cơ sở sản xuất của người thân cho người sau cai nghiện và đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 591 người sau cai nghiện ma túy; hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh ổn định đời sống cho 58 người với số tiền trên 1 tỷ đồng. Phối hợp với lực lượng Công an, Ban bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tham gia công tác tuần tra trên địa bàn công cộng, khu vực phức tạp phòng ngừa phát sinh tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma tuý, tệ nạn xã hội; tổ chức tuần tra địa bàn được 9.253 lượt, buổi; tiếp nhận, cung cấp 679 tin cho chính quyền, công an; nhiều tin có giá trị đã được xử lý góp phần làm giảm tệ nạn xã hội xảy ra trên địa bàn, người cung cấp tin được đảm bảo bí mật, an toàn.

Với những kết quả đạt được, để công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đạt nhiều hiệu quả hơn trong thời gian tới, một số giải pháp được đưa ra như tiếp tục duy trì tốt mạng lưới hoạt động tình nguyện ở các quận, huyện, thị xã; nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp uỷ, UBND xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp, hỗ trợ Đội tình nguyện hoạt động. Ban chỉ đạo cấp xã giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể cho Đội tình nguyện, có đôn đốc kiểm tra, tham gia sinh hoạt Đội để nắm bắt tình hình, khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc. Thường xuyên tố chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm hoạt động và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền, cảm hoá, giáo dục đối tượng tệ nạn xã hội cung cấp thông tin tình hình và các kiến thức, biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội nhằm nâng cao năng lực công tác cho lực lượng tình nguyện viên.

Song song đó, Đội công tác xã hội tình nguyện có kế hoạch hoạt động cụ thể hàng tháng, đổi mới hình thức hoạt động như phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tình nguyện viên trong việc quản lý, giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện, thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý sau cai; duy trì giao ban định kỳ Đội để phản ánh tình hình, kịp thời bổ sung biện pháp nghiệp vụ, trao đổi, học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn./.

Kim Dung