Hậu Giang: Đẩy mạnh phòng, chống tệ nạn mại dâm Ngày đăng: 15/12/2020
Thực hiện công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm trong toàn xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục là nội dung quan trọng trong phòng, chống tệ nạn mại dâm, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa tệ nạn mại dâm với những nội dung thiết thực, phong phú. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm phòng, chống mại dâm của mỗi cá nhân, gia đình, trường học, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội. Đồng thời, vận động người dân tích cực, tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm. “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Trong 5 năm (2016-2020), toàn tỉnh đã tuyên truyền 3.570 cuộc về phòng chống mại dâm, với trên 149.000 lượt người tham dự, cấp phát 38.811 tờ rơi, áp phích các loại, lắp đặt 142 pano tuyên truyền phòng chống mại dâm tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, phát thanh được hơn 2.347 phút, trên 890 tin bài phản ánh, phỏng vấn, phóng sự tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, các chuyên đề về xây dựng xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, các chính sách hỗ trợ cho người bán dâm hoàn lương... 

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Tường, trong các buổi sinh hoạt của tổ, nhóm, ngoài triển khai các phong trào của hội, của địa phương, các chị em còn được tuyên truyền kiến thức phòng, chống mua bán người, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống mại dâm cho hội viên. Qua đó, giúp chị em có thêm kiến thức, từ đó biết cách tự bảo vệ mình, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ngoài ra, các chị em cũng tích cực tuyên truyền đến người thân trong gia đình các nội dung đã được nghe, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương.

Còn theo chị Lưu Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường III, thành phố Vị Thanh, năm 2012 địa phương thành lập CLB phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Từ khi thành lập đến nay CLB đã tuyên truyền được 64 cuộc, với 1.415 người tham dự. Thời gian qua, các thành viên trong CLB tiếp cận người có nguy cơ bán dâm và gia đình họ để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng, tạo điều kiện giúp đỡ họ làm ăn. Cùng với đó, vận động người có nguy cơ mua bán dâm, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về tham gia CLB, để tuyên truyền đến người dân...

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành chức năng cũng đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 2.060 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm gồm 1.043 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê; 181 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 826 quán bia, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn… Số nhân viên làm việc tại các cơ sở này thay đổi thường xuyên không thể xác định chính xác, nhưng có khoảng 650 người. Trong đó, có đăng ký hợp đồng lao động 544 người (471/544 là nữ giới) và khoảng 80% là lao động ngoài tỉnh.

Các đội, tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp đã thực hiện kiểm tra thường xuyên 3.424 lượt cơ sở. Qua đó, đã phát hiện và đề nghị xử phạt hành chính 159 cơ sở vi phạm với số tiền 302.950.000 đồng, yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở 1.273 cơ sở. Từ năm 2016 đến 30/6/2020, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 21 vụ mại dâm, bắt 72 đối tượng (30 đối tượng mua dâm; 34 đối tượng bán dâm; 8 chủ chứa, môi giới). Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 7 vụ/8 bị cáo. Trong 8 bị cáo đưa ra xét xử, có 4 bị cáo bị xét xử, kết án về tội “Chứa mại dâm”, 3 bị cáo bị xét xử, kết án về tội “Môi giới mại dâm”, 1 bị can về tội “Mua dâm người chưa thành niên”.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đã đạt nhiều kết quả khả quan, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong tỉnh. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống mại dâm hiệu quả hơn cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, tạo phong trào toàn dân lên án, phát hiện, tố giác và tham gia phòng, chống mại dâm. Cùng với đó, đôn đốc, hướng dẫn và giám sát việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm ở cơ sở, nhất là tuyên truyền trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, không để cơ sở lợi dụng hoạt động mại dâm. Cùng với đó, tiếp tục điều kiện để người bán dâm có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng, tránh để họ tái phạm”, ông Trần Minh Thiện, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết.

Để loại bỏ tệ nạn mại dâm ra khỏi đời sống xã hội, cùng với các giải pháp của ngành chức năng, người dân cần tích cực vào cuộc, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, văn hóa, văn minh…

 Theo Bích Châu (Báo Hậu Giang)