Bến Tre: Hiệu quả hoạt động của các đội công tác xã hội tình nguyện Ngày đăng: 15/12/2020
Nhiệm vụ của Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) là tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm. Ngoài ra, đội còn tham gia thực hiện lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn xã hội với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh…

Năm 2020, các Đội tình nguyện trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, khu dân cư tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách về phòng chống tệ nạn xã hội. Hình thức tuyên truyền được tổ chức lồng ghép trong các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội; thông qua các cuộc họp tổ, trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn (trên 1,6 ngàn cuộc, với hơn 15,2 ngàn lượt người tham dự).

Thành viên của Đội tình nguyện các xã, phường, thị trấn tổ chức họp mặt hàng tháng (hoặc quý) để nắm, trao đổi thông tin. Theo Đội trưởng Đội tình nguyện phường Phú Khương (TP. Bến Tre) Nguyễn Hồng Sơn: Trên địa bàn phường, hàng tháng, các thành viên của đội họp mặt ở các địa điểm thích hợp, tùy chọn để trao đổi thông tin, sinh hoạt các vấn đề cần thiết; trong một số trường hợp đặc biệt cũng có sự tham dự của đối tượng được giúp đỡ.

Hiện tại, các Đội tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã mở 71 hồ sơ quản lý đối tượng. Các thành viên đã tích cực tham gia tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy tham gia cai nghiện. Đội cũng đã phân công cụ thể từng thành viên phối hợp với Công an và các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể tiếp cận và giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, người bị nhiễm HIV tại cộng đồng tham gia sinh hoạt, giúp họ có động lực vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp với lực lượng Công an và các ngành liên quan, các Đội tình nguyện trong tỉnh tham gia quản lý tốt địa bàn, điều tra, rà soát, đưa vào danh sách người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy. Qua đó, đã phối hợp lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho 56 người; vận động 49 người đi cai nghiện tự nguyện. Đội cũng đã phối hợp với Công an lập hồ sơ đưa 40 người đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri); vận động 56 người nghiện ma túy điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; hỗ trợ học nghề, giới thiệu cho 24 người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống. 

Trong năm 2020, ngành chức năng tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn cho 96 thành Đội tình nguyện về kỹ năng hỗ trợ, tư vấn, tiếp cận, can thiệp đối với người sử dụng ma túy; quy trình quản lý trường hợp, hồ sơ quản lý trường hợp và các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người tham gia cai nghiện tự nguyện... Cơ quan chức năng cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của 14/50 Đội tình nguyện trên địa bàn.

Để hoạt động của các Đội tình nguyện đạt hiệu quả hơn, ngành chức năng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho các Đội tình nguyện duy trì chế độ họp định kỳ. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các mạnh thường quân và các cơ sở, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho người sau cai không tái nghiện.

Đối với các Đội tình nguyện, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an và ngành liên quan tổ chức kiểm soát địa bàn, đặc biệt là các ổ, nhóm, tụ điểm, khu vực có yếu tố nguy cơ cao về tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ và đề xuất hướng xử lý thích hợp.

Theo Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Võ Công Nhân, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Công an các xã, phường, thị trấn và các đoàn thể trong việc rà soát, nắm chắc đối tượng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Người sau cai nghiện không tái nghiện rất cần được hỗ trợ và giới thiệu việc làm; cần sự cảm thông, chia sẻ của những người sử dụng lao động như chủ cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp. 

Theo Huỳnh Đức (Báo Đồng Khởi)