Trường học: “Lá chắn thép” bảo vệ học sinh trước tệ nạn ma túy Ngày đăng: 22/10/2020
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Hầu hết tình trạng nghiện đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò thử cho biết của tuổi mới lớn. Vì thế, trước cuộc chiến chống ma túy, gia đình và nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu về tác hại của ma túy để tránh xa…

Thông tin này được ông Trần Xuân Cung - Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.Hồ Chí Minh đưa ra trong Hội nghị tập huấn phòng chống ma túy, HIV/AIDS và Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên trong trường học năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.

Theo ông Cung, tội phạm ma túy luôn “đi trước” pháp luật và các nhà quản lý khi luôn tìm cách lách luật một cách khôn ngoan. Khi luật pháp cấm chất này thì tội phạm ma túy sẽ tìm ra chất khác thay thế, chưa bị pháp luật phát hiện và ngăn cấm để đầu độc giới trẻ. Đó cũng là lý do vì sao ngày càng xuất hiện nhiều “biến tướng” của ma túy dưới những cái tên gây tò mò, kích thích học sinh như bóng cười, cỏ Mỹ, tem giấy, bùa lưỡi, gần đây có “nước xoài”, “nước vui”, thậm chí là “trà sữa”, “khô gà”…

Theo thống kê của Công an TP.HCM, số người nghiện ma túy trên địa bàn TP.HCM tính đến quý II năm 2020 lên đến gần 26 ngàn người, tăng 2,9% so với cuối năm 2019.

Đứng trước những thách thức của tệ nạn ma túy, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, công tác phòng chống ma túy trong trường học năm học 2020-2021 được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đặc biệt chú trọng, coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bên cạnh việc chủ động tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trường học trên địa bàn 24 quận, huyện nắm bắt công tác phòng chống ma túy trong trường học trước sự phức tạp và sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới có nguy cơ cao tiềm ẩn vào trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh kiến thức về ma túy, đa dạng hoạt động sân chơi hướng tới trang bị cho học sinh kỹ năng bảo vệ bản thân, tự phòng tránh trước tệ nạn ma túy (như không ăn, uống đồ người lạ cho; ăn uống bên ngoài nhà trường phải đảm bảo vệ sinh, thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng; tuyệt đối không nghe lời người lạ dụ dỗ, lôi kéo thử các loại ma túy dù chỉ một lần, phát hiện sớm phối hợp với nhà trường xử lý…).

“Các nhà trường cần thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng cập nhật tình hình tội phạm ma túy mới để kịp thời có phương pháp giáo dục học sinh phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức cho học sinh; tăng cường sức đề kháng cho học sinh để các em nhận biết vấn đề, có kỹ năng kiến thức xử lý, bảo vệ bản thân”, ông Trọng nhấn mạnh.

Theo ông Trọng, trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong nhà trường, trường học phải thực sự trở thành “lá chắn thép” - ở đó, từng bộ phận của trường từ ban giám hiệu, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên (Đội Thiếu niên Tiền phong) cho đến ban đại diện phụ huynh học sinh phải có sự phối hợp, vào cuộc, tham mưu xây dựng kế hoạch để từ đó có các biện pháp tổ chức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh… Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ tăng cường hơn nữa công tác khảo sát việc thực hiện của các cơ sở giáo dục về công tác an toàn trường học, trong đó nội dung trọng tâm là công tác giáo dục ma túy trong trường học. Việc khảo sát không chỉ đánh giá tính hiệu quả trong công tác thực hiện của các trường mà còn nắm bắt xem các trường học đang gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện nội dung này để có hướng tháo gỡ, tăng tính hiệu quả giáo dục học sinh trong phòng chống ma túy...

Theo Nam Định (Báo Giáo dục Online)