Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 23/09/2020
Trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Dự án “Ngôi nhà Bình yên” của Trung tâm Phụ nữ và phát triển được đánh giá là mô hình rất ý nghĩa, thể hiện vai trò quan trọng của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, dự án Ngôi nhà Bình yên đã cung cấp các hoạt động truyên truyền và các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về với 01 Phòng Tham vấn và 03 Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ. Đây là những cơ sở dành riêng cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực trên cơ sở giới, với đội ngũ quản lý và nhân viên xã hội đều là phụ nữ đã phát huy hiệu quả cao trong công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ mọi mặt cho phụ nữ, trẻ em.

Giai đoạn 2011-2020, Mô hình Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận 267 nạn nhân (trong đó có 175 phụ nữ, 92 trẻ em), đưa tổng số người được hỗ trợ từ năm 2007 lên 373  nạn nhân vào Ngôi nhà bình yên đến từ 50 tỉnh, thành phố. Trong đó 95 % nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc, 5% còn lại mua bán sang Thái Lan, Malaysia, Nga, các tiểu vương quốc Ả Rập.....

Tại Ngôi nhà Bình yên, có 1.762 lượt phụ nữ, trẻ em được khám và điều trị các bệnh liên quan đến hậu quả của mua bán người và chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng tại Ngôi nhà Bình yên. Trong đó, 73,6%  người được khám và điều trị các bệnh lây qua được tình dục.

Bên cạnh việc chăm sóc y tế, các nạn nhân lưu trú tại đây còn được cung cấp  dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý: 3.378 lượt người được hỗ trợ, điều trị và tham vấn tâm lý. Với những trường hợp, nạn nhân có vấn đề tâm lý nặng, Ngôi nhà Bình yên cũng đã phối hợp, kết nối với các đối tác là chuyên gia tâm lý bên ngoài như (Khoa tâm bệnh bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Viện sức khỏe tâm thần bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tâm thần TW1, tổ chức Share…). Trung bình, 1 nạn nhân nhận được 13 lượt tham vấn, điều trị tâm lý. 481 lượt người được tư vấn và hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền lợi, 13 người tham gia quá trình tố tụng, điều tra, xét xử.

Ngoài ra, các nạn nhân còn được cung cấp dịch vụ nâng cao kỹ năng sống, bình quân Ngôi nhà Bình yên tổ chức sinh hoạt tập thể 2 lần/tuần nhằm nâng cao kỹ năng sống theo nhóm. Ngoài ra, nhân viên xã hội hướng dẫn kỹ năng sống cá nhân 1 lần/tuần. Đã có 2.535 lượt người được học các kỹ năng sống.

Buổi sinh hoạt của các nhân viên tư vấn tại Ngôi nhà Bình yên

Có thể thấy, dịch vụ cung cấp hỗ trợ nạn nhân tại Ngôi nhà Bình yên là  toàn diện, ngoài dịch vụ ăn ở (dịch vụ thường có tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác), Ngôi nhà Bình yên chú trọng vào dịch vụ  hỗ trợ tâm lý; kỹ năng sống và các dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm góp phần tăng quyền năng kinh tế,  hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Trong giai đoạn 2011-2020, cán bộ Ngôi nhà Bình yên đã tập trung tham vấn nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, cụ thể: 398 lượt người được học nghề, trong đó 78 người có việc làm ổn định, một số người làm việc tại các khách sạn 5 sao, có thu nhập tốt, 10% nạn nhân tự mở cơ sở kinh doanh riêng (làm nước mía, làm móng, tóc, làm may, mở cửa hàng tạp hóa. Để cung cấp dịch vụ dạy nghề cho nạn nhân, Ngôi nhà Bình Yên đã xây dựng mạng lưới với các trung tâm dạy nghề (Reach, KOTO, Hoa Sữa, trường dạy nghề 20/10, Trung tâm dạy nghề L’oreal, Trường Trun cấp nghề may và thời trang Hà Nội; tăng cường gây quỹ từ các tổ chức quốc tế (UNICEF, AECID, Tổ chức Samaritan’s Pure, …) để cung cấp gói phát triển kinh tế cho phụ nữ (22 gói cây con giống (lợn, gà…); dụng cụ thực hành nghề (24 bộ sản phẩm làm nghề tóc móng, sản xuất nước mía); 18 máy may công nghiệp; 05 phương tiện để đi làm (xe đạp).

Tất cả nạn nhân sau khi rời Ngôi nhà Bình yên đều được theo dõi hỗ trợ hồi gia theo quy trình từ 18- 24 tháng bởi nhân viên xã hội và người theo dõi hồi gia tại gia đình, địa phương hoặc nơi làm việc. Giai đoạn 2011-2020, có 293 người đã được hỗ trợ hồi gia với các dịch vụ: tham vấn tâm lý, kỹ năng sống, pháp lý…

Ngoài ra, tại các tỉnh, thành, Hội LHPN các cấp cũng có các mô hình hỗ trợ nạn nhân như Nhà tạm lánh, Nhà tạm trú... là nơi chị em được nhận các dịch vụ hỗ trợ về nơi ăn ở an toàn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, pháp lý... Điển hình: Hội LHPN tỉnh Yên Bái thành lập mô hình “Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng” để tiếp nhận, hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe, sinh kế, nâng cao năng lực cho các nạn nhân bị mua bán trở về do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tài trợ; Hội LHPN xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa), tỉnh Bắc Giang thành lập nhóm “Phụ nữ tự lực bình minh xanh” để hỗ trợ 10 phụ nữ yếu thế là nạn nhân của mua bán người đã có may mắn trở về, động viên, hỗ trợ vay vốn tạo sinh kế, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho các chị làm thủ tục đăng ký khai sinh cho các con. Đồng thời, phối hợp nhóm có nguy cơ cao bị lừa bán ra nước ngoài tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền kiến thức phòng, chống tội phạm mua bán người. Các tỉnh, thành Hội thành lập và duy trì các tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ các cấp Hội trong việc xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua ký kết các chương trình phối hợp với ngành tư pháp cũng được các cấp Hội chú trọng đẩy mạnh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp lý cho người tạm trú tại Ngôi nhà bình yên, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Trung ương ương Hội đã ký văn bản phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam để hỗ trợ tư vấn pháp lý cho nạn nhân bị mua bán); Kiện toàn, thành lập Trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ kết hôn. Từ năm 2012 - 2019, các Trung tâm tư vấn của 15 tỉnh/thành Hội đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 895.000 lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán người, di cư lao động nhằm di cư an toàn và phòng ngừa bị mua bán. Đặc biệt, Hội phụ nữ 02 tỉnh Hà Giang, Nghệ An đã phối hợp với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và các huyện mở 10 cuộc xét xử lưu động vụ án về mua bán người tại địa bàn dân cư, các thôn, bản, ấp với sự tham gia của 11.500 lượt người để tuyên truyền, giáo dục răn đe ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Hiện nay, Hội đang tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 tại 110 xã biên giới để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội và bảo đảm an ninh biên giới. Ðây chính là nền tảng vững chắc và cơ bản để các hội viên, phụ nữ yên tâm làm ăn, sinh sống tại quê hương, không nảy sinh ý định di cư hoặc xuất cảnh trái phép đi nước ngoài.

TM