Điểm tựa cho người trở về Ngày đăng: 11/08/2020
Những năm qua, tại một số địa phương trong nước, nhiều phụ nữ bị mua bán bất hợp pháp ra nước ngoài, trong số đó, có người đã may mắn trốn thoát trở về. Để giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống thì việc chia sẻ, động viên của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương và gia đình là rất cần thiết.

 

 

 

 

Vòng tay của gia đình, cộng đồng

Gia đình, làng xóm chính là nòng cốt trong việc tìm kiếm, vận động các nguồn lực để hỗ trợ người thân từng là nạn nhân bị mua bán trở về. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tình hình đời sống của các chị em phụ nữ và là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp, từ đó, góp phần hỗ trợ nạn nhân từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Theo bà Trịnh Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Phòng, chống mại dâm (Chi cục PCTNXH tỉnh Thái Bình), những phụ nữ bị mua bán trở về hầu hết đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục... Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người. Để các nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về cần được triển khai phù hợp với nguyện vọng và được cấp ủy, chính quyền ủng hộ, gia đình và cộng đồng giúp đỡ.

Các nạn nhân thường đã từng phải trải qua tình trạng bị cưỡng bức, bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý, bị giam cầm bất hợp pháp, bị đe dọa... Hậu quả là nạn nhân phải chịu những tổn thương về sức khỏe và tâm lý nặng nề và việc tái hòa nhập của họ cũng gặp nhiều khó khăn do bị kì thị, xa lánh từ cộng đồng; khó khăn về thu nhập do thiếu việc làm, không tìm được công việc phù hợp ở địa phương; không có hộ khẩu, chứng minh thư khi trở về, không đăng kí khai sinh được cho con cái, từ đó, khó tiếp cận được các dịch vụ xã hội, thậm chí thiếu chỗ ở ổn định; sức khỏe suy giảm, mắc một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (đặc biệt với những nạn nhân bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục).

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép đi lao động “chui” tại nước ngoài để tránh rơi vào nạn bóc lột lao động và nạn mua bán người, việc nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng giữ vai trò trọng yếu, tạo niềm tin, nghị lực cho người trở về hòa nhập, không bị kỳ thị.

Thực tế có không ít phụ nữ và trẻ em gái may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu, nhưng khi trở về, họ lại rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc mắc một số chứng bệnh bởi sự sợ hãi và những đau khổ mà họ trải qua. Nhiều người không có được sự hỗ trợ mà còn phải đối mặt với sự ghẻ lạnh của chính người thân trong gia đình, điều tiếng xã hội, dư luận xóm giềng đã khiến cho họ cảm thấy mặc cảm, tự ti. Ngay cả khi tìm được cơ hội làm lại cuộc đời với hạnh phúc mới, thì gia đình chồng vẫn không chấp nhận quá khứ của người vợ. Có chị em khi trở về bị chồng ghẻ lạnh, không cho sống chung, hoặc chồng đã có cuộc sống riêng.

Sau khi được giải cứu thành công, những phụ nữ và trẻ em gái - nạn nhân chủ yếu của nạn mua bán người - thường rơi vào tình cảnh “dang dở”, với nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý. Giúp họ hàn gắn những vết thương tâm hồn là nhiệm vụ khó khăn của các chuyên gia tâm lý, cán bộ công tác xã hội…

Phòng, chống mua bán người dựa vào cộng đồng

Hàn gắn “vết thương”, chống kỳ thị

Việc chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động các nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mua bán người cho hội viên, phụ nữ và người dân, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng là vô cùng cần thiết. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một công tác toàn diện, phức tạp, liên quan đến các vấn đề tâm lý, giáo dục và giáo dục lại, hỗ trợ hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng.

Việc thực hiện có hiệu quả công tác này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, từ khâu phòng ngừa đến đấu tranh, trấn áp tội phạm và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chính là thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần đảm bảo an toàn trật tự xã hội và ổn định chính trị tại địa phương.

Do trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Một số chị em phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn, không có việc làm... có nguy cơ lại trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Vì vậy, thời gian tới, các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành tăng cường cung cấp tài liệu tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời, các gia đình có phụ nữ và trẻ em bị mua bán cần được tư vấn cách thức, kỹ năng chăm sóc, ổn định tinh thần cho các nạn nhân trước khi đón họ trở về cũng như trong thời gian đầu khi trở về. Những người thân trong gia đình cần có cái nhìn bao dung, thấu hiểu nạn nhân hơn, hạn chế nhắc đến những tổn thương mà những người phụ nữ, trẻ em gái đã phải chịu đựng./. 

                               NC (Theo TC GĐ&TE)