Tuyên Quang tập trung nâng cao trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em Ngày đăng: 07/08/2020
Là tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang có diện tích tự nhiên là 5.868 km2, dân số trên 780 ngàn người, 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 1 thành phố với trên 22 dân tộc anh em sinh sống tại 141 xã, phường, thị trấn. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi của tỉnh chiếm khoảng 29% dân số.

 

 

 

 

Những năm gần đây, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cơ quan chức năng, việc nâng cao trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng đã được tỉnh Tuyên Quang xác định là trách nhiệm chung của cả gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Từ công tác tuyên truyền và trang bị kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng mềm về sức khỏe giới tính, các địa phương đã đảm bảo môi trường lành mạnh, tốt nhất về cả thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐTBXH Tuyên Quang) cho biết: xâm hại trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng, ngày càng diễn biến phức tạp. Với nhận thức trên, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh tập trung nhiều biện pháp, huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội và cộng đồng cùng góp phần đẩy lùi vấn nạn này. Trong năm 2019, UBND tỉnh ban Kế hoạch số 78/KH-UBND về việc triển khai Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng, giai đoạn 2018 - 2025”; Kế hoạch số 79/KH-UBND về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng, giai đoạn 2018 - 2025”…

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân kiến thức về pháp luật như: Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và một số văn bản liên quan về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; lồng ghép việc tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em qua buổi họp dân của các thôn, tổ dân phố, hệ thống truyền thanh ở xã, phường, thị trấn để người dân được biết và nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ có thể bị xâm hại.

Tuyên truyền kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em (ảnh minh họa)

Đặc biệt, chỉ đạo các trường học tăng cường lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực, lạm dụng trẻ em trong môi trường giáo dục. Qua đó, đã từng bước hình thành cho trẻ em và người chăm sóc trẻ về ý thức bảo vệ trẻ, góp phần giảm thiểu tình hình xâm hại trẻ em; trang bị kỹ năng cho phụ huynh, trẻ em và thầy cô giáo đề cao cảnh giác phòng ngừa nguy cơ xâm hại trẻ từ môi trường xã hội, trong từng gia đình, cộng đồng nơi trẻ em sinh sống.

Trong năm học 2018 - 2019, các trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức hơn 150 buổi tuyên truyền, ngoại khóa về phòng, chống xâm hại trẻ em với 27.500 học sinh, giáo viên và phụ huynh tham gia. Các buổi tuyên truyền đã giúp cho nhà trường, phụ huynh, học sinh hiểu được nguyên nhân, tác hại của tình trạng xâm hại trẻ em trong học đường và các biện pháp phòng ngừa. Chia sẻ sau buổi tuyên truyền “Phòng, chống xâm hại trẻ em trong học đường”, Nguyễn Kiều Trang, lớp 12C4, Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (thành phố Tuyên Quang) cho biết, chúng em có thêm kiến thức pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, có kỹ năng tự bảo vệ mình khi có nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó, em và các bạn được trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong công tác phòng, chống mại dâm, mua bán người. Em mong rằng, mỗi học sinh tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để chủ động bảo vệ mình trước những nguy cơ xảy ra khi bị xâm hại.

Một trong những điển hình về tuyên truyền nâng cao nhận thức và đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn phải kể đến lực lượng công an. Cụ thể, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4975/KH-CAT-PC02 ngày 28/12/2018 về triển khai thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người năm 2019 và giai đoạn 2018 – 2020”; Kế hoạch số 65/KH-PC02-Đ2 ngày 07/01/2019 về tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người.

Năm 2019, lực lượng Công an chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em); nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý, giáo dục, bảo vệ người chưa thành niên và trẻ em; các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật khi được phát hiện đều được tổ chức điều tra làm rõ và xử lý kịp thời. Đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 100%, góp phần tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, an toàn để trẻ em và người chưa thành niên học tập, phát triển. Kết quả, đã phát hiện, ghi nhận 14 vụ/14 trẻ em bị xâm hại tình dục, gồm: 02 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi, 08 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, 04 vụ dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (đã khởi tố, điều tra 12 vụ/12 bị can; xử lý khác 02 vụ/02 đối tượng).

Bên cạnh đó, phải nói đến vai trò trong công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm xâm hại, mua bán trẻ em và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật của ngành Kiểm sát. Xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng để phân loại, xử lý kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên phạm tội. Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án của cơ quan điều tra, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên toà được nâng cao. Kết quả, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý, điều tra, tham gia xét xử 29 vụ, 38 bị can (chủ yếu liên quan đến tội hiếp dâm trẻ em, tội trộm cắp tài sản, tội cố ý gây thương tích và tàng trữ trái phép chất ma túy).

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục phát động phong trào toàn dân chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ báo cáo viên, cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc trẻ em cấp xã; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; lồng ghép giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em vào các buổi sinh hoạt đoàn, hội, đội, khu dân cư, thôn, tổ dân phố và cơ quan chức năng, trường học trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường giáo dục ý thức, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân của trẻ em, người chăm sóc trẻ và các bậc cha mẹ học sinh, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em./.                                                                                       

Trực Nguyên