Gia Lâm: Nhiều giải pháp giúp đỡ người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 02/08/2020
Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn huyện Gia Lâm, từ năm 2014 đến nay, huyện Gia Lâm đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, tỷ lệ người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện của thành phố, tỷ lệ người điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đạt 100% chỉ tiêu Kế hoạch thành phố giao; 100% người nghiện quản lý sau cai tái hòa nhập cộng đồng có việc làm.

Để triển khai thực hiện Đề án, huyện Gia Lâm đã tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống ma túy các cấp. Căn cứ vào diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm về ma túy trên địa bàn và đặc điểm cụ thể của mỗi đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống ma túy cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy đối với người sử dụng, đối với mỗi gia đình, cộng đồng và toàn thể xã hội; lưu ý tới tác hại và hậu quả đặc biệt nguy hiểm gây ra bởi một số loại ma túy mới xuất hiện trong thời gian qua; kết hợp với tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của Chính phủ về công tác cai nghiện ma túy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cộng đồng và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Cùng với đó, công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện được chú trọng, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Trong những năm qua, công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy ở Gia Lâm đã được triển khai đúng quy định và đạt được những kết quả nhất định. Năm 2014, toàn huyện có 228 đối tượng người nghiện có hồ sơ quản lý. Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính của Quốc hội thông qua ngày 20/6/2006, chưa có văn bản hướng dẫn đồng bộ nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, toàn huyện thực hiện được 12/60 (đạt 20%) kế hoạch Thành phố giao (hầu hết là quyết định được ban hành từ năm 2013). Đến tháng 6/2020, trên địa bàn toàn huyện có 357 người nghiện, trong đó, số người nghiện có mặt tại cộng đồng 247 người, vắng mặt tại cộng đồng 34 người, số người đang chấp hành cai nghiện tại các Cơ sở cai nghiện là 45 người. Việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc đã đi vào nề nếp, 6 tháng đầu năm 2020 đã đưa được 32/25 người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đạt 128%) chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao.

Hiện nay, 100% (22/22) xã, thị trấn đã có Quyết định thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy, thường xuyên được kiện toàn và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Các xã, thị trấn đã triển khai, tổ chức cho người nghiện và gia đình họ khai báo, đăng ký các hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng cho 91 người nghiện ma túy.

 Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức cai nghiện cho gần 900 lượt người, trong đó, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 765 lượt người, cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố 150 lượt người. Toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn thành lập Tổ cai nghiện ma túy, với quy chế, kế hoạch hoạt động cụ thể. 100% các đơn vị có người nghiện đều vận động các gia đình tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình cộng đồng. Kết thúc giai đoạn cắt cơn, các xã, thị trấn làm thủ tục bàn giao cho gia đình và các tổ chức đoàn thể, khu dân cư tiếp tục quản lý, tư vấn, giúp đỡ trong thời gian 6 tháng. Tổ công tác phân công cho các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện thường xuyên gặp gỡ người tham gia cai nghiện để tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian 6 tháng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý học viên hoàn thành chương trình cai nghiện được các ban, ngành, đoàn, thể các cấp quan tâm, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp đỡ học viên nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều hoạt động, chương trình gặp mặt, đối thoại, thăm hỏi, động viên, giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức, qua đó, nắm bắt về đời sống, tâm tư, nguyện vọng để đề xuất hỗ trợ học nghề, giới thiệu tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế và vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm cho các học viên. Huyện Gia Lâm có 02 Câu lạc bộ B93, đây là sân chơi cho người nghiện sau cai khi trở về địa phương. Tính đến ngày 15/6/2020, toàn huyện có 175 người trong diện quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, 172 người đã được tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm.

Giai đoạn 2021-2025, để công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn, huyện Gia Lâm sẽ đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, đặc biệt là cung cấp các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người tham gia cai nghiện, phòng tránh tái nghiện, phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện; 50% trạm y tế xã đủ điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức cai nghiện; Hàng năm, tổ chức cho 40% người nghiện có hồ sơ quản lý được tham gia cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; Hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện, tăng tỷ lệ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng và có việc làm./.

Hoàng Ngân (Nguồn: hanoi.gov.vn)