Kẻ buôn bán người núp bóng "nhân viên xã hội" Ngày đăng: 18/05/2020
Với khả năng tiếp cận hạn chế trong việc phá thai và chăm sóc tiền sản, nhiều bà mẹ ở Nigeria đã trở thành con mồi béo bở cho những kẻ buôn người.

 

 

 

 

Phụ nữ ở những khu vực nghèo đói dễ trở thành con mồi của kẻ mua bán người

17 tuổi “trót” mang thai trước khi kết hôn là một điều cấm kỵ với phụ nữ ở Nigeria, chính vì vậy Ebere đã tìm đến bác sĩ để phá thai. Tuy nhiên, bào thai đã ở cuối tuần thứ 8, việc phá thai sẽ đem lại nguy hiểm cho cô nên bác sĩ đã từ chối nhận giúp Ebere.

Cô cảm thấy vô vọng và đau khổ vì không còn chỗ nào để đi, người cha nghiêm khắc sẽ đánh đập và bêu rếu câu chuyện của cô cho cả thị trấn biết. Cha của đứa trẻ thì từ chối nhận trách nhiệm và dọa sẽ thuê người giết cô nếu Ebere liên lạc với hắn ta.

Một y tá trong trạm xá đã nhìn thấy Ebere ở góc tường và cố gắng hỏi chuyện cô. Ebere đã thuật lại mọi chuyện và y tá đó cho cô xem facebook của một người làm nhân viên xã hội chuyên giúp những cô gái trẻ như Ebere. Như tìm thấy được tia hy vọng trong màn đêm, Ebere nhanh chóng xin y tá số điện thoại để liên lạc với mong muốn có người sẽ chỉ cho cô biết mình phải làm gì.

“Khi tôi gọi điện và nói câu chuyện của mình, anh ta đã hẹn gặp tôi ở một nhà hàng sang trọng trong thành phố Enugu. Anh ta đề nghị đưa tôi đến nhà và chăm sóc tôi đến khi sinh nhưng với điều kiện tôi phải đưa đứa bé cho anh ta và tôi được một khoản tiền”, Ebere thuật lại.

“Lúc đó tôi không còn sự lựa chọn nào khác nên đã đồng ý. Đó đã là phương án tốt nhất cho tôi để tránh khỏi những rắc rối từ gia đình và những người xung quanh. Tôi thậm chí còn không hỏi anh ta muốn làm gì với con tôi. Tất cả những gì tôi muốn là thoát khỏi đứa trẻ này và cầm số tiền mình chưa bao giờ dám mơ đến.”

6 tháng sau, Ebere hạ sinh một bé trai và được trả một khoản tiền là 140 bảng Anh (hơn 4 triệu đồng). Ebere quay trở lại gia đình và nói rằng mình đã bị bắt cóc đến một ngôi làng hẻo lánh để làm nô lệ trước khi giải thoái cho cô. Mọi người đều cảm thấy thương cô gái nhỏ sau khi nghe thấy điều đó và đề nghị báo cảnh sát giúp cô nhưng Ebere đã ngăn cản và thuyết phục họ ngừng ý định ấy lại với lý do “không muốn nhớ lại những ngày tháng tù ngục”.

Câu chuyện của Ebere chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ khác ở miền Đông Nam Nigeria bị lôi kéo vào việc mua bán người trái phép.

 

Phụ nữ mang thai (Ảnh minh họa)

Bị lôi kéo vào việc mua bán người trái phép

Theo báo cáo của Cơ quan Quốc gia về cấm mua bán người (Natrip), con mồi nhắm đến của nhóm mua bán người là những người phụ nữ nghèo không có khả năng nuôi con hoặc là những cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn mà không muốn gia đình biết. Những kẻ mua người thường đóng giả làm nhân viên xã hội với lý do có thể giúp đỡ những người phụ nữ khó khăn hoặc những cô gái trẻ bị lầm đường cần hỗ trợ. Theo Natrip, những em bé sẽ được bán trực tiếp cho các gia đình có nhu cầu mua hoặc cho một bên thứ ba khác với giá 1.200 bảng Anh (khoản 34 triệu đồng) cho bé gái và 600 bảng Anh (khoảng 46 triệu đồng) cho bé trai.

“Thậm chí rất nhiều cô gái trẻ lỡ mang thai nhưng lại không muốn gia đình phát hiện, họ đã tìm gặp trực tiếp những kẻ mua người để đến nhà chúng ở cho đến khi sinh con. Sau đó, mẹ của những đứa trẻ sẽ được trả với giá vô cùng rẻ mạt khoảng 100 bảng Anh (gần 3 triệu đồng)”, nhà lãnh đạo của Natrip, Comfort Agboko chia sẻ.

Những câu chuyện về mua bán trẻ em không phải chỉ của Nigeria mà nó còn là vấn đề của toàn thế giới. Theo thống kê của Natrip, mỗi ngày có khoảng 10 trẻ em đang bị mua bán trên thế giới. Những kẻ mua người chỉ coi trẻ em là một công cụ kiếm tiền để đem ra trao đổi, không hơn không kém. Điều đó đã vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền ngay từ khi sinh ra mà đứa trẻ nào cũng có quyền. Trong một số trường hợp, có trẻ nhỏ còn qua tay tận 5 người trung gian mới đến được người mua.

Các nhà chức trách đã đấu tranh để đối phó với nạn mua người do không đủ kinh phí và thiếu sự hợp tác giữa chính cảnh sát địa phương với Natrip. Khi các vụ án đến tòa án, với một hệ thống tư pháp chậm thì có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm trời, từ chối mang lại công lý kịp thời cho các nạn nhân.

“Chúng tôi rất thất vọng bởi các quy trình của tòa án”, ông Agboko than phiền. “Natrip đã bắt được một vài kẻ mua bán trẻ em những khi đề nghị mở phiên tòa chúng tôi lại nhận được thông báo thẩm phán đang ở trong tòa án để giải quyết các kiến nghị, bầu cử địa phương hoặc đang làm nhiệm này, nhiệm vụ kia ở một nơi khác”, người này nói thêm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự khủng hoảng kinh tế đang xảy ra tại Nigeria, người dân ở đây sống với mức dưới 2 USD một ngày, cộng thêm sự thiếu hụt hiểu biết về sinh sản khiến cho những đứa trẻ trở thành “món hàng” bất đắc dĩ.

“Bố tôi sẽ giết tôi mất nếu ông ấy thấy tôi mang thai trước khi kết hôn. Tôi thực sự không còn lựa chọn nào khác ngoài bán con mình đi”, Ebere nghẹn ngào nói./.

 

Ng Trực (Theo Theguardian)